Một góc xã Xuân Trường, Tp. Đà Lạt. Ảnh: baolamdong.vn |
Xuân Trường là vùng ven, cách thành phố Đà Lạt 20km. Nơi đây được biết đến với những đồi cà phê, nương chè, vườn rau, hoa công nghệ cao nằm sát bên đồi núi. Tới đây, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những nhà ga xe lửa, dấu tích thời Pháp thuộc. Khu vực Cầu Đất nổi tiếng là một trong những “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng trên cao nguyên Lâm Viên. Những ngày đầu tháng 4 này, trên vùng đất bazan Lâm Đồng, đi giữa bát ngát đồi chè Cầu Đất, chúng tôi được nghe những câu chuyện lịch sử về sự hào hùng của vùng đất, phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Xuân Trường.
Năm 1927, Sở trà Cầu Đất được người Pháp thành lập, với diện tích 900 ha. Đến năm 1929, làng Trường Xuân chính thức ra đời với diện tích khoảng 3,5 ha. Đây chính là tiền thân của xã Xuân Trường hôm nay. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước, Xuân Trường được xem là “địa chỉ đỏ” của cách mạng. Ông Trần Văn Nhỹ, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết: Ngày ấy, cả xã chỉ khoảng bốn nghìn người nhưng gần một nửa đã thoát ly đi kháng chiến, người ở lại tham gia nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho bộ đội, bất chấp mọi hiểm nguy, sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù. Đến Ngày giải phóng 1/4/1975, đã có 146 người con của vùng đất cách mạng Xuân Trường hy sinh. “Sổ vàng” truyền thống địa phương đã ghi danh 1.045 đồng chí tham gia cách mạng, 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Với thành tích xuất sắc trong kháng chiến, năm 1998, xã Xuân Trường đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Sau 45 năm, hôm nay, mảnh đất Xuân Trường vươn mình mạnh mẽ, đạt được thành tích rất đáng tự hào. Dấu tích chiến tranh đã nhường chỗ cho những nương chè bát ngát mang thương hiệu Cầu Đất. Những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên, nhiều ngôi biệt nằm bên sườn đồi và những vườn rau, hoa công nghệ cao chạy dọc cung đường nhựa tỏa về các thôn…
Xã Xuân Trường hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó mô hình của anh Nguyễn Song Vũ (xã Xuân Trường, Đà Lạt) là nơi nông nghiệp ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả cao, phát huy thế mạnh địa phương. Ngoài 1 ha nhà kính trồng rau, 2 ha cà phê thương hiệu Arabica Cầu Đất nổi tiếng thế giới của gia đình, anh còn đầu tư máy móc chế biến, rang xay và đóng gói cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mô hình kinh tế của gia đình anh Vũ đã tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương. Để xây dựng mô hình hiệu quả, anh Nguyễn Song Vũ đã dày công học tập, nghiên cứu và ứng dụng quy trình sản xuất sạch từ khâu canh tác đến chế biến. Anh Vũ cho biết: Xưa người dân Xuân Trường làm cách mạng để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, giờ chúng tôi làm cách mạng khoa học - công nghệ trong sản xuất, phát triển kinh tế.
Cùng với rau, hoa công nghệ cao, hoa lan cao cấp, cây hồng ăn trái nổi tiếng, vùng đất này còn được mệnh danh là thiên đường của giống cà phê Arabica hảo hạng nhờ sở hữu lợi thế về độ cao và điều kiện khí hậu hoàn hảo, cùng đất bazan màu mỡ. Năm 2016, Starbucks Coffee - thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới đã chọn Arabica Cầu Đất - Xuân Trường, Đà Lạt là một trong 7 loại cà phê để đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau đó một năm, cà phê Cầu Đất Đà Lạt được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền. Và những nhà nông nơi đây đã “bắt tay” sản xuất cà phê bền vững, hướng tới đưa sản phẩm cà phê vào mạng lưới cà phê thương mại công bằng thế giới.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Xuân Trường Nguyễn Giang Thoại cho biết: Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên xã đã phát huy tinh thần tuổi trẻ xung kích, tiếp nối thế hệ cha ông đi trước để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng phương pháp theo công nghệ cao đã góp phần nâng cao thu nhập.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Xuân Trường đã đưa chúng tôi đến thăm khu nhà kính trồng hoa Cát tường, Mắt ngọc của anh Phạm Văn Dũng. Gia đình anh Dũng đã xây dựng 4.000m2 nhà kính trồng hoa, mỗi năm cho thu nhập hơn 600 triệu đồng. Anh Phạm Văn Dũng cho biết: Thế hệ trước đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập dân tộc, giờ mình phải quyết tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ cho những nông dân khác đến học hỏi kinh nghiệm.
Theo Chủ tịch UBND xã Trần Như Dũng, Xuân Trường là một trong bốn xã đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được công nhận xã nông thôn mới năm 2014. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 80 triệu đồng/năm. Tất cả 8 thôn của xã đạt chuẩn văn hóa.
Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết thêm: Cà phê Arabica, chè Cầu Đất là cây thế mạnh của địa phương, trở thành những thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới. Quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nhiều gia đình trong xã có cuộc sống đủ đầy hơn. Nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay tất cả đường làng, ngõ xóm được trải nhựa và bê tông hóa. Xã đã vận động nhân dân xây dựng đời sống, văn hóa kinh tế, từ đó góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, cơ sở hạ tầng của địa phương cũng được khang trang hơn.
Phát huy những lợi thế về điều kiện khí hậu, nhờ những người hăng say lao động, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, Xuân Trường hôm nay đã trở thành nơi sản xuất cà phê, trà Cầu Đất nổi tiếng như khát vọng mùa Xuân trường tồn.
Đặng Tuấn