Kon Tum tìm giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Diện tích cây sầu riêng của Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Chim (Kon Tum) được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm giúp giảm chi phí. Ảnh: Dư Toán -TTXVN
Diện tích cây sầu riêng của Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Chim (Kon Tum) được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm giúp giảm chi phí. Ảnh: Dư Toán -TTXVN

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum, hiện tỉnh có 276 hợp tác xã; trong đó, có 194 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, đa số các hợp tác xã nông nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít; quy mô kinh doanh, tích luỹ vốn, tài sản diễn ra chậm. Chính vì vậy, cần có những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp.

Kon Tum tìm giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp ảnh 1Diện tích cây sầu riêng của Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Chim (Kon Tum) được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm giúp giảm chi phí. Ảnh: Dư Toán -TTXVN

Hiệu quả chưa cao

Theo ông Phạm Quang Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, thời gian qua, số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, đạt 180 đơn vị, chiếm 68,9% tổng số hợp tác xã của tỉnh. Tuy nhiên, 97,8% số hợp tác xã có quy mô thành viên siêu nhỏ (dưới 50 thành viên). Không những vậy, quy mô vốn của các hợp tác xã này cũng khá thấp, khi có tới 51,8% số hợp tác xã có quy mô vốn siêu nhỏ (dưới 1 tỷ đồng); 42,4% số hợp tác xã có quy mô vốn ở mức nhỏ (từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng); chỉ có 5,6% có quy mô vốn vừa (từ 5 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng).

Chính quy mô về thành viên và vốn còn nhỏ dẫn đến số lượng hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn ở mức thấp; số lượng hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 10%. Số hợp tác xã hoạt động tốt cũng chỉ chiếm 10,8%, hoạt động khá 30%, số còn lại chỉ dừng lại ở mức trung bình và yếu.

Ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, dù có nhiều chuyển biến tích cực, song đóng góp của lĩnh vực kinh tế tập thể vẫn còn thấp, số hợp tác xã hoạt động thực sự hiệu quả chưa nhiều. Bên cạnh đó, sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự ổn định, bền vững; lợi ích đem lại cho các thành viên chưa nhiều nên chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Các hợp tác xã nông nghiệp tuy tăng về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhưng phát triển chưa như kỳ vọng, do phải đối mặt với những khó khăn như biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã. Thậm chí, một số hợp tác xã thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh còn thụ động, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum chia sẻ.

Tại huyện khó khăn Tu Mơ Rông có 33 hợp tác xã, với gần 700 thành viên, chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết, dù số lượng không ít, nhưng đóng góp của các hợp tác xã cho nguồn thu của địa phương không đáng kể. Ngoài ra, khả năng nhận thức, kiến thức khoa học kỹ thuật của các hợp tác xã nông nghiệp không cao; điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn kém dẫn đến việc phát triển kinh tế tập thể gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhận thức về trách nhiệm về xây dựng và phát triển hợp tác xã của nhiều thành viên chưa cao, còn trông chờ và nặng về quyền lợi trước mắt.

Còn bà Phạm Thị Thương, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Đăk Hà chia sẻ, với lợi thế về nông nghiệp, huyện có 25 hợp tác xã trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số hợp tác xã nội lực còn yếu, thiếu ổn định, thiếu năng lực cạnh tranh; một số hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc, tài sản chưa rõ ràng về sở hữu. Ngoài ra, không ít hợp tác xã chưa chú trọng việc đổi mới hình thức hoạt động; chưa tích cực huy động các nguồn nội lực để phát triển, thích ứng với cơ chế thị trường.

Phát huy nội lực

Mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, song không thể phủ nhận những nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tính đến cuối năm 2022, doanh thu bình quân của các hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh Kon Tum đạt 1,1 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân 235 triệu đồng; thu nhập của lao động thường xuyên trong hợp tác xã cũng đạt 40 triệu đồng.

Hợp tác xã Kiên Ngọc Thảo (huyện Ngọc Hồi) là một trong những hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả của tỉnh Kon Tum. Hợp tác xã hiện đang có 7 thành viên chính thức, lĩnh vực hoạt động chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Ông Đặng Công Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Kiên Ngọc Thảo cho biết, định hướng của đơn vị ngay từ khi thành lập là sản xuất, chế biến nông sản sạch, theo hướng hữu cơ. Nguồn quỹ đất nông nghiệp dồi dào của địa phương, cùng khí hậu mát mẻ và tài nguyên thiên nhiên quan trọng từ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã mang lại lợi thế cho hợp tác xã trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên rừng, tạo môi trường sống và sinh thái tốt cho các hoạt động nông nghiệp và du lịch.

“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã mang lại những giá trị lớn hơn cho hợp tác xã. Đơn cử, cà phê hợp tác xã sản xuất bán ra thị trường với giá từ 120.000 – 150.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với bà con tự sản xuất; sầu riêng cũng vậy, hợp tác xã đều bán được giá cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với bà con bên ngoài. Chúng tôi cũng liên kết với các hộ dân để sản xuất măng khô, bán ra thị trường cao hơn gấp 2 lần so với bà con tự chế biến. Nhờ đó, doanh thu của đơn vị trong năm 2022 đạt khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 30%”, ông Đặng Công Kiên cho biết thêm.

Bà Phạm Thị Thương, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Đăk Hà cũng chia sẻ, dù còn nhiều hạn chế, song các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều đơn vị đã phát huy nội lực, tận dụng lợi thế của địa phương để mang lại giá trị kinh tế cao như Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm, Hợp tác xã Công bằng Pô Kô, Hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung,…

Tại huyện Tu Mơ Rông, một số hợp tác xã cũng bước đầu mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như Hợp tác xã Nông sản và Thảo dược Tu Mơ Rông, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Ngọc Yêu,… Ngoài ra, dần xuất hiện các mô hình hợp tác xã kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với bảo vệ thiên nhiên, du lịch trải nghiệm như Hợp tác xã Dược liệu Du lịch Ngọc Linh H80, Hợp tác xã Dược liệu Du lịch Forest Stay,…

Với việc thế mạnh kinh tế của tỉnh Kon Tum vẫn là nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp có nhiều lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, để tạo ra được giá trị cao, biến các sản phẩm nông nghiệp thành “gà đẻ trứng vàng”, các hợp tác xã cần phải phát huy nội lực, nâng cao trình độ, nhận thức cho các thành viên, hướng đến mục tiêu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nhân lực, đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã; hỗ trợ thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với các doanh nghiệp và các hộ dân; khuyến khích, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia phát triển vùng nguyên liệu và hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Đặc biệt, thu hút nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cao để tạo ra sự đột phá cho các hợp tác xã nông nghiệp”, ông Phạm Quang Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm