Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, hiện nay toàn tỉnh có gần 3.300 ha lúa canh tác một vụ, tập trung chủ yếu tại các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Glei. Việc canh tác lúa một vụ không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội của các cộng đồng dân cư. Để khắc phục tình trạng này và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, ngành nông nghiệp đang triển khai trồng thí điểm lúa hai vụ tại xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei.
Chỉ canh tác lúa một vụ
Trong tổng số gần 3.300 ha lúa canh tác một vụ, huyện Kon Plông có 1.600 ha, huyện Tu Mơ Rông có 997 ha và huyện Đăk Glei có khoảng 700 ha. Những diện tích này đa số được người dân canh tác từ khoảng tháng 1, tháng 2 hàng năm và thu hoạch khoảng tháng 6, tháng 7. Sau đó, bà con không tiến hành canh tác lại trên diện tích ruộng này, phần lớn diện tích ruộng bị bỏ hoang cho đến vụ trồng lúa năm sau.
Xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 350 ha lúa, toàn bộ diện tích đều được người dân trồng một vụ. Ông A Hiêng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết, từ trước đến nay tập quán canh tác của bà con trên địa bàn là trồng lúa để phục vụ nhu cầu sử dụng nên các hộ dân chỉ canh tác một vụ lấy gạo ăn. Vụ còn lại, những diện tích ruộng đều bỏ hoang, không canh tác gì. Tuy nhiên, do canh tác kém, không chăm bón nên năng suất lúa rất thấp, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 so với các vùng trồng lúa khác trong tỉnh.
"Nếu ở các vùng chuyên canh lúa của tỉnh, 1 sào lúa có thể thu về 20 bao lúa thì bà con nơi đây chỉ thu hoạch được từ 5 – 8 bao lúa. Mặc dù có diện tích trồng lúa lớn, nhưng một số hộ dân vẫn không đủ ăn do tập quán chỉ trồng lúa một vụ", ông A Hiêng chia sẻ.
Trường hợp của ông A Bói, thôn Ngọc Xúc, xã Ngọc Linh là một ví dụ. Hai vợ chồng ông có 3 sào lúa, vụ vừa qua thu hoạch được gần 10 bao lúa. Ông cho biết, dù nhà ít người, nhưng số lúa thu hoạch được không đủ ăn, vợ chồng ông phải độn thêm cả sắn, khoai mỗi khi hết gạo. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao không trồng thêm một vụ nữa để có gạo ăn, ông lại lắc đầu.
"Cả xã không ai trồng lúa hai vụ, một mình mình trồng thì chuột, sâu bọ, chim chóc ăn hết, chẳng có mà thu hoạch đâu. Hơn nữa, mình già rồi, sức đâu nữa mà trồng nhiều. Gia đình thuộc diện hộ nghèo cũng phải chịu thôi", ông A Bói nói.
Trong khi đó, tại huyện Tu Mơ Rông, dù cả huyện chỉ có gần 1.300 ha đất trồng lúa, song có tới gần 1.000 ha được người dân trồng lúa một vụ. Ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông cho biết, nguyên nhân dẫn đến phần lớn diện tích lúa trên địa bàn chỉ trồng một vụ là do bà con nông dân tập trung sản xuất các loại cây trồng khác như cà phê, dược liệu. Những loại cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao hơn nên bà con không trồng lúa vụ hai.
Tuy vậy, không thể phủ nhận việc chỉ canh tác lúa một vụ cùng kỹ thuật canh tác lạc hậu, không chú trọng chăm bón dẫn đến năng suất, chất lượng các diện tích lúa kém. Đến nay, Kon Tum cũng chưa xây dựng được thương hiệu lúa, gạo đặc sản nào từ những diện tích này. Việc canh tác lúa một vụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của các địa phương, nhất là khi huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông vẫn đang hưởng chính sách 30a của Chính phủ.
Bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum nhận định, việc canh tác lúa một vụ của bà con nông dân đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Bên cạnh đó, việc canh tác lúa một vụ cũng khiến hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích giảm đi, gây lãng phí về tiềm năng đất đai và ảnh hưởng đến an ninh lương thực của địa phương.
Thí điểm mô hình lúa hai vụ
Trước tình trạng hàng nghìn ha lúa của người dân chỉ canh tác một vụ, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã triển khai mô hình khuyến nông sản xuất lúa hai vụ với giống lúa năng suất cao tại vùng Đông Trường Sơn. Được triển khai từ tháng 6/2023 tại xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, mô hình có 8 hộ tham gia với tổng diện tích 2,5 ha. Đây đều là diện tích canh tác của người dân, được ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương vận động tham gia.
Ông Đoàn Năng Mạnh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum cho biết, xã Ngọc Linh là một trong hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei, với tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số cao. Đây cũng là địa phương được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm về phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc nghiên cứu các điều kiện thuận lợi, phù hợp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lựa chọn xã Ngọc Linh thực hiện mô hình khuyến nông sản xuất lúa hai vụ.
"Mục tiêu đặt ra là thông qua mô hình hướng dẫn nhân dân biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về trồng giống lúa mới có năng suất cao, trồng lúa hai vụ để nâng cao năng suất, sản lượng lúa. Từ đó, từng bước thay đổi tập quán canh tác, góp phần đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số", ông Đoàn Năng Mạnh cho biết thêm.
Anh A Hơi – một trong những hộ dân tình nguyện tham gia mô hình trồng lúa hai vụ tại xã Ngọc Linh cho biết, trước đây gia đình anh có khoảng 1 ha trồng lúa. Tuy nhiên, do chỉ trồng một vụ cùng kỹ thuật canh tác kém nên năng suất, chất lượng thấp. Khi được tham gia vào mô hình canh tác lúa hai vụ, anh được hướng dẫn kỹ thuật gieo, sạ, bón phân nên diện tích lúa phát triển khá tốt.
"Đây là lần đầu tiên mình biết đến các kỹ thuật canh tác mới và biết bón phân cho lúa, chứ không như trước đây cứ gieo mạ xuống là phó mặc cho trời. Sau vụ này, mình sẽ động viên bà con trong thôn, xã chuyển đổi phương thức canh tác lúa từ một vụ sang hai vụ. Hy vọng mọi người thấy được hiệu quả từ diện tích lúa của mô hình và chuyển đổi, giúp đời sống tốt hơn", anh A Hơi nói.
Bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum khẳng định, ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất lúa nước hai vụ ở những nơi có đủ điều kiện nước tưới. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương rà soát những diện tích lúa nước không sản xuất được hai vụ để vận động nhân dân chuyển sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như: ngô, sắn, đậu, rau màu, cây ăn quả…
"Giải pháp lâu dài được ngành nông nghiệp đặt ra là tập trung tuyên truyền sâu rộng cho bà con nông dân hiểu được lợi ích của canh tác lúa hai vụ, thấy được lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao mang lại khi sản xuất lúa hai vụ. Đồng thời, ứng dụng các giống mới, phương thức canh tác hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng cho lúa", bà Y Hằng nhấn mạnh.
Dư Toán