Kinh tế vườn giúp nông dân Thừa Thiên - Huế thu nhập cao và bền vững

Kinh tế vườn giúp nông dân Thừa Thiên - Huế thu nhập cao và bền vững
Vườn nhà ông Hoàng Hóa, thôn Phú Trung, xã Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: huonggiang.thuathienhue.gov.vn
Vườn nhà ông Hoàng Hóa, thôn Phú Trung, xã Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: huonggiang.thuathienhue.gov.vn

Tỷ lệ vườn có thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/ha/năm ở Thừa Thiên - Huế chiếm khoảng 65%; từ 50 - 60 triệu đồng/ha/năm khoảng 25%; từ 70-80 triệu đồng/ha/năm khoảng 7%, tỷ lệ vườn đạt từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm khoảng 3%.

Kinh tế vườn ở Thừa Thiên - Huế đa dạng và cho thu hoạch quanh năm, đảm bảo phát triển bền vững và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, có nhiều loại cây ăn quả được trồng trong cùng một vườn, như cam, ổi, chanh, đu đủ, măng cụt, nhãn, thanh long, dừa, dứa, sầu riêng, tiêu; cây rau màu trồng trong vườn như đậu các loại, rau ăn lá (rau khoai, muống, cải xanh, xà lách), rau ăn quả (mướp, bầu, bí), dưa hấu, dưa hường, dưa gang.

Một số vườn chuyên canh cây đặc sản nổi tiếng như bưởi, thanh trà có thu nhập khá lớn như ở phường Thủy Biều (thành phố Huế); Hương Vân (thị xã Hương Trà); Phong Thu (huyện Phong Điền). Thanh trà không chỉ được biết đến là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là "cây làm giàu" của hàng trăm hộ nông dân. Ở phường Thủy Biều, có đến 800 hộ trồng thanh trà với diện tích hơn 200 ha. Bình quân thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng/ha, có khi thanh trà được giá, thu nhập chủ vườn lên đến 200 - 250 triệu đồng/ha.

Ông Tôn Thất Tùng, một nông dân trồng thanh trà lâu năm ở phường Thủy Biều cho biết, gia đình ông có hơn 60 gốc thanh trà, hàng năm cho thu nhập 130 - 150 triệu đồng. So với các cây trồng khác thì cây thanh trà ít tốn công mà thu nhập lại cao hơn. Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, khoảng 5 năm sau khi trồng cho thu hoạch lứa đầu.

Nhiều hộ ở phường Thủy Biều đang được các đơn vị chuyên môn hướng dẫn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăm bón, hiện đang tiến hành cải tạo lại vườn tạp, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp đang có để phát triển thêm diện tích giống cây đặc sản này.

Thanh trà Huế cũng đã xác lập kỷ lục, được ghi vào danh sách top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện phát triển, đưa diện tích trồng cây thanh trà lên 1.100 ha, chủ yếu trên đất phù sa bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Các huyện, thị xã có diện tích trồng cây thanh trà lớn như: Hương Trà (481ha), Phong Điền (258ha), Quảng Điền (50ha), Phú Lộc (60ha) và thị xã Hương Thủy (105ha)...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn các hộ trồng cây chuyên canh thay thế dần vườn tạp. Hiện, tỉ lệ thay thế này chiếm khoảng 30% diện tích, đầu ra của sản phẩm từng bước ổn định và hiệu quả kinh tế ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch làm vườn và tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP trên các cây trồng chủ lực, giúp nông dân thấy được lợi ích từ kinh tế vườn để đầu tư, cải tạo lập vườn.

Huyện miền núi Nam Đông, mỗi thôn xây dựng từ 3-5 vườn mẫu, mỗi vườn có diện tích tối thiểu 700m2 - 1.000m2, có hàng rào xung quanh, có trồng cây dài ngày xen cây ngắn ngày, có thâm canh và cây trồng sinh trưởng phát triển tốt.

Trong hướng xóa vườn tạp, người dân được vận động chuyển đổi vườn không thể trồng cây ăn quả sang trồng hoa màu, đậu các loại, mía và các cây thức ăn phục vụ chăn nuôi; không trồng các loại cây lâm nghiệp, công nghiệp dài ngày (keo, cao su…) trong vườn nhà mà chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị cao hơn.

Huyện Nam Đông đã định hướng rõ cây trồng, vườn mẫu cho từng địa phương như: trồng cam ở các xã Hương Phú, Hương Hòa, Hương Lộc; trồng ớt, tiêu ở các xã Hương Hữu, Thượng Long. Nam Đông đang phấn đấu đưa giá trị kinh tế vườn đạt 40 triệu đồng/ha trở lên chiếm khoảng trên 80% số hộ...
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm