Kinh tế Lào Cai phát triển bền vững

Kinh tế Lào Cai phát triển bền vững
Nông dân xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, gieo mạ để sản xuất lúa vụ mùa. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
 Nông dân xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, gieo mạ để sản xuất lúa vụ mùa. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Công nghiệp, du lịch bứt phá mạnh Một trong những dấu ấn trong năm 2018 là tỉnh Lào Cai đã quan tâm đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, kinh tế cửa khẩu. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế, tận dụng lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, dù tình hình còn khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn tăng trưởng ổn định, duy trì tốc độ cao, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo. Cụ thể như, nhà máy phân lân nung chảy công suất 200.000 tấn/năm đã hoàn thành đi vào hoạt động; Nhà máy DAP số 2 – Vinachem đã hoạt động trở lại một số phân xưởng, sau sự cố vỡ đập chứa chất thải gyps. Thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán sản phẩm công nghiệp trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm trước (phôi thép, đồng tấm, hóa chất…). Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh năm 2018 ước đạt 29.000 tỷ đồng, bằng 105,3% kế hoạch, tăng 16,5% so năm 2017. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp ổn định, giá trị sản xuất đạt 2.320 tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ. Yếu tố quan trọng giúp sản xuất công nghiệp ở Lào Cai năm 2018 thuận lợi là nhờ có sự duy trì bảo hộ sản xuất trong nước với sản phẩm thép, phân bón. Qua đó, một số doanh nghiệp lớn 2 lĩnh vực này đã có thêm điều kiện sản xuất ổn định và tăng trưởng cao. Các sản phẩm khoáng sản trên địa bàn cũng đã có những tín hiệu về tiêu thụ khá tốt tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Hoạt động du lịch Lào Cai tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, chất lượng du lịch được nâng lên. Hệ thống lưu trú phát triển, các sản phẩm du lịch được đa dạng hóa, chất lượng hơn. Trong năm, một số các khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao quốc tế, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đưa vào sử dụng tại Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đã góp phần làm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cho du khách đến với địa phương. Năm 2018, số khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 4,3 triệu lượt người, bằng 107,5% kế hoạch, tăng 22,7% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 13.400 tỷ đồng, bằng 113% kế hoạch, tăng 42% so cùng kỳ. Hệ thống lưu trú tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng khoảng 14% so với cùng kỳ, các sản phẩm du lịch được đa dạng hóa, chất lượng hơn với nhiều sản phẩm mới đặc sắc kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao. Việc khai thác các di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch được chú trọng đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Sự liên kết trong hoạt động du lịch đã tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch và dịch vụ đồng bộ, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong và ngoài nước. Lào Cai hiện đã trở thành một trong những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá có sức thu hút bậc nhất cả nước, tuy nhiên, so với những tiềm năng lợi thế riêng có, du lịch Lào Cai hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu cao hơn, đi đến những cái đích xa hơn. Ngành du lịch Lào Cai cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 5-6 triệu du khách và cơ cấu du lịch trong GRDP phải đạt 20%, đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 30% GRDP của tỉnh.Hoàn thành sớm mục tiêu cả nhiệm kỳ Năm 2018 tỉnh Lào Cai đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP Lào Cai năm 2018 đạt 10,23%; trong đó, nông lâm thủy sản tăng 5%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 14,74% (riêng công nghiệp tăng 17,1%); Dịch vụ tăng 7,52%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm, tăng 7,8 triệu đồng so năm 2017. Với đà kết quả đạt được, tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch hướng đến mục tiêu năm 2019 hoàn thành cơ bản các mục tiêu của cả nhiệm kỳ đã đề ra. Tại Kỳ họp HĐND cuối năm 2018, địa phương này đã cụ thể hóa bằng các Nghị quyết nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm triển khai thực hiện ngay kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019 tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, địa phương sẽ nghiên cứu cơ chế để huy động một cách tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nguồn lực từ ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) sẽ đầu tư cho các lĩnh vực như an sinh xã hội, thực hiện các dự án, chương trình nhiều người dân, xã hội được hưởng lợi, thúc đẩy kinh tế xã hội vùng, có sức lan tỏa lớn, đảm bảo giữ gìn trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Đối với nguồn lực ngoài ngân sách, chiếm khoảng 85% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, Lào Cai sẽ nghiên cứu cơ chế phù hợp khai thác vốn của các doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn tại khu vực đô thị tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác hiệu quả nguồn lực trong nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, trong năm 2019, tỉnh Lào Cai tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh một số đề án, quy hoạch quan trọng có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: xây dựng thành phố Lào Cai đạt đô thị loại I; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Pa thành lập thị xã Sa Pa; đề án xây dựng Sa Pa thành khu du lịch Quốc gia mang tầm cỡ Quốc tế và nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa; quy hoạch chung khu trung tâm hành chính Y Tý, khu kinh tế cửa khẩu, quy hoạch chung tỉnh Lào Cai; trụ sở khu hành chính mới của một số huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Sa Pa,...
Hương Thu

Có thể bạn quan tâm