Làm giàu từ nông nghiệp sạch ở Đắk Tô

Làm giàu từ nông nghiệp sạch ở Đắk Tô
Gia đình anh Nguyễn Xuân Đại trồng cây ăn quả theo quy trình sạch. Ảnh: baokontum.com.vn
Gia đình anh Nguyễn Xuân Đại trồng cây ăn quả theo quy trình sạch.
Ảnh: baokontum.com.vn
Huyện Đắk Tô - nơi nhiều hộ nông dân đã và đang thực hiện chuyển đối cơ cấu cây trồng sang xu hướng sản xuất sạch. Những diện tích cây trồng không hiệu quả hay vườn cây cao su đã gắn bó với họ bao năm… nay cũng được người dân mạnh dạn phá bỏ để bắt đầu một phương thức canh tác mới. Gia đình anh Nguyễn Xuân Đại và chị Nương Thị Mai (thôn 1 xã Tân Cảnh - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Rạng Đông) là một trong số đó. Năm 2016 được xem là năm đột phá nền kinh tế của gia đình khi anh chị mạnh dạn phá bỏ gần 5 ha cao su để chuyển sang cây trồng cây ăn quả theo mô hình trang trại. Để thực hiện, anh Đại và chị Mai lặn lội vào các tỉnh miền Tây học tập kinh nghiệm, mua cây giống về trồng. Hình thức trồng được anh chị lựa chọn là mô hình công nghệ sạch với các loại cây trồng như: bơ, sầu riêng, mít, quýt thái, na… Bên cạnh đầu tư “giống chuẩn”, gia đình anh còn đầu tư hệ thống nước tưới theo công nghệ phun nhỏ giọt. Trong quá trình chăm sóc, gia đình anh chị sử dụng phân bón làm hoàn toàn bằng phân hữu cơ, không dùng thuốc hóa học mà thay vào đó là dùng thuốc thảo dược để chống sâu bệnh và đảm bảo cho cây trái sạch, người dùng an toàn. Đến nay, sau gần 4 năm miệt mài, thành quả của gia đình anh chị có được là khoảng 600 cây bơ, 450 cây sầu riêng, 900 cây quýt đường, 350 cây mít thái da xanh và 200 cây na… đã vào kỳ cho thu bói. Anh Nguyễn Xuân Đại chia sẻ, giai đình anh xác định sản xuất trang trại cây ăn quả theo quy trình sạch bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay của người dân ưa chuộng những loại sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn. Ngoài ra, nhu cầu dùng trái cây của người dân ngày càng tăng trong sinh hoạt hàng ngày là vấn đề khiến gia đình anh chuyển sang trồng cây ăn quả sạch như hiện nay. Không chỉ các hộ gia đình, nhiều hợp tác xã cũng lựa chọn phương thức sản xuất “sạch từ khâu nuôi trồng đến tiêu dùng” để tồn tại và phát triển. Đơn cử như Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Rạng Đông với mô hình cây ăn quả an toàn; mô hình cà phê theo quy trình không dùng phân hóa học, không dùng thuốc hóa chất bảo vệ thực vật… Với tiêu chí “Sạch từ khâu nuôi trồng đến với người tiêu dùng”, những chuỗi liên kết khép kín đã được hình thành và phát triển bền vững. Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Rạng Đông (huyện Đăk Tô) là một điển hình. Với phương thức phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến cà phê, cây ăn quả theo phương pháp hữu cơ. Qua hơn 1 năm hoạt động, Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Rạng Đông có 7 thành viên đã nhân rộng diện tích cà phê liên kết với hộ dân lên 30 ha và diện tích cây ăn quả hơn 10 ha. Sản phẩm của đơn vị được thực hiện quy trình sản xuất sạch, tuân thủ nghiêm ngặt từ bắt đầu là khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến việc thu hái… Anh Nguyễn Ngọc Đông, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Rạng Đông cho biết, hiện tại thành viên của hợp tác xã đều thực hiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quy trình sạch, sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay do đang làm thủ tục để được chứng nhận sản phẩm an toàn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ nên việc tiếp cận được thị trường lớn như siêu thị, địa chỉ lớn mình hợp tác xã chưa vươn tới được. “Hiện nay, chúng tôi đang làm hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng; đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết quảng bá thương hiệu sản phẩm và tìm đối tác đưa đầu ra cho sản phẩm của các thành viên hợp tác xã được ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên…” – anh Đông nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo nhận định của đơn ngành chức năng huyện Đăk Tô, khó khăn lớn nhất của các hợp tác xã và người dân trên địa bàn huyện hiện nay là về quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, lượng hàng sản xuất chưa đủ lớn để có thể liên kết một cách ổn định với các doanh nghiệp và các hợp tác xã. Tiếp đến là về vấn đề chất lượng, bởi các sản phẩm của hộ dân hay hợp tác xã chưa được cấp có thẩm quyền chứng nhận về đảm bảo chất lượng. Các sản phẩm chưa được người dân chú trọng xây dựng truy xuất nguồn gốc rõ ràng… Đó là những vấn đề mà người dân cũng như các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cần chú trọng hoàn thiện để tìm chỗ đứng và đầu ra cho sản phẩm ổn định.  Để sản phẩm sạch của người dân Đăk Tô có đầu ra sản phẩm ổn định, các  các hợp tác xã cần mạnh dạn và chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ và đặc biệt là chú trọng chất lượng sản phẩm, nhất là đảm bảo các chứng chỉ cần thiết để khẳng định giá trị sản phẩm trên thị trường…
Khôi Nguyên

Có thể bạn quan tâm