Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trong vụ Hè Thu và Thu Đông 2020 hiện nay, tỉnh xây dựng 66 cánh đồng lớn sản xuất lúa, tổng diện tích hơn 11.580 ha, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng số cánh đồng lớn thực hiện năm 2020 là 100 cánh đồng, với tổng diện tích hơn 30.670 ha.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, thông qua thực hiện sản xuất cánh đồng lớn, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân, bước đầu xác lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Đồng thời, tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định cho chế biến xuất khẩu. Hầu hết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn tập trung ở các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn các vùng trọng điểm lúa.
Hiện nay, tỉnh đã có nhiều hợp tác xã nông nghiệp được công ty, doanh nghiệp góp vốn điều lệ, làm thành viên và tham gia vào ban quản lý hợp tác xã. Đây là điều kiện thuận lợi để sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện liên kết sản xuất “4 nhà”, giúp nông dân tránh được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo.”
Thực tế, qua thực hiện cánh đồng lớn đã góp phần ổn định phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đang từng bước hình thành và nhân rộng trên đồng đất, giải quyết nhu cầu của người sản xuất.
Qua đó, khắc phục được tình trạng được mùa rớt giá, giúp nông dân an tâm sản xuất, giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng lên năng suất lúa, chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa đồng đều, số lượng lớn và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nông dân Lê Thành Tâm ở xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp chia sẻ lợi ích sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, nông dân rất an tâm, gần như đảm bảo trúng mùa. Vì hợp tác xã gieo trồng giống chất lượng cao, xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ nên né được rầy nâu, hạn chế sâu bệnh gây hại, khô hạn, thiếu nước và những tác hại, bất lợi khác có thể ảnh hưởng đến sản xuất lúa.
Nông dân được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên đồng ruộng, quy trình canh tác “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa theo quy trình sản xuất. Nông dân được công ty bao tiêu sản phẩm lúa khi thu hoạch nên không còn tình trạng bị thương lái ép giá hoặc trúng mùa thì mất giá. Giữa nông dân - doanh nghiệp - hợp tác xã đều có lợi khi sản xuất cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay, việc mở rộng quy mô diện tích liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn còn hạn chế so với nhu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển sản xuất lúa của tỉnh và nhu cầu của nông dân.
Một trong những rào cản lớn nhất là tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp, bất cập. Tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng đôi lúc còn xảy ra, cần có những chế tài, giải pháp đồng bộ khi triển khai thực hiện để đảm bảo tính ổn định, bền vững và hiệu quả trong sản xuất.
Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, tỉnh Kiên Giang tiếp tục vận động, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, nhất là ở 2 vùng sản xuất lúa trọng điểm là Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu.
Các địa phương, hợp tác xã áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, nhân rộng những mô hình sản xuất, hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo hiệu quả.
Lê Huy Hải