Nông dân ven biển xã Bình Giang và Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đang mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Đi dọc tuyến đê quốc phòng, nhìn ra phía biển, nghe tiếng máy phát ra từ các ao nuôi tôm, ít ai nghĩ rằng, hiện đã hình thành nên mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Bởi trước đây, người dân nhận khoán đất rừng chỉ để nuôi ba khía, thủy sản nằm xen với cây mắm, cây đước. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được không cao. Đã vậy, do biến đổi khí hậu, nhiều nơi bị sóng biển đánh làm mất dần diện tích đất rừng, vỡ đê gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư để dần hình thành mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Hiệu quả thu được tăng cao, không chỉ vừa có thu nhập, lại vừa giữ được diện tích cây rừng và đê biển.
Anh Tôn Lý Tưởng, ngụ ấp Kênh 4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho biết, trước đây cứ loay hoay nuôi tôm, cua theo hình thức quảng canh nhưng không hiệu quả. Có thời điểm, anh phải ra thành phố Rạch Giá để thuê quán bán cà phê. Nhiều đêm suy nghĩ không muốn bỏ đất trống, việc buôn bán cũng gặp khó khăn, nên đã anh bàn với gia đình nuôi tôm công nghiệp. Vay mượn được gần 100 triệu đồng, anh Tưởng thuê máy vào cuốc 13.000m2 thành 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng; mua máy bơm, bạt che bờ…
Anh Tôn Lý Tưởng kể: "Vụ đầu tiên thả nuôi, tôi sụt mấy kg vì khó ngủ do đêm nào cũng ra xem tôm lớn thế nào, có sống được không… Nếu thất bại nữa thì nợ nần lấy tiền đâu trả”. Thế nhưng, “đất không phụ lòng người”, sau 3 tháng thả nuôi, với 2 ao tôm cho anh Tưởng thu về trên 3 tấn tôm và sau khi trừ chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng. Theo anh Tôn Lý Tưởng, do ao nuôi tôm nằm gần với bờ biển, nếu gặp triều cường hay sóng lớn làm vỡ đê thì bao công sức, tiền của cuốn trôi ra biển. Vì vậy, mỗi năm 2 lần, anh phải thuê máy cuốc gia cố nâng cao nền. Bên cạnh đó, gia cố thêm cây tràm ngoài đê, bên trong trồng thêm cây mắm, cây đước để bảo vệ đê biển.
Sau khi mô hình nuôi tôm công nghiệp của anh Tưởng thành công, nhiều người cũng bắt đầu làm theo. Anh Lý Nguyên Vũ, ngụ ấp Kênh 4, xã Bình Giang cho biết, mặc dù nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp có hiệu quả, nhưng tiền vốn đầu tư ban đầu cũng lớn nên nhiều người cũng ái ngại. Với 2 ha diện tích, anh phải đầu tư 500 triệu đồng để thuê máy vào đào 4 ao nuôi; tiền mua máy, bạt, thiết bị ô xy… Nhưng ưu điểm của loại hình nuôi công nghiệp là tôm ít bị thiệt hại, nuôi có lãi. Trung bình mỗi 1 ao (rộng 500 m2) thả nuôi tôm thẻ chân trắng, sau gần 3 tháng, sẽ cho thu về 1 tấn tôm, với giá bán hiện nay từ 120.000 - 130.000 đồng/kg thì cũng có trên 120 triệu đồng.
Ông Lê Văn Tiễn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho biết, hiện nay trên địa bàn ven biển của xã có 133 ha quy hoạch nuôi tôm, đến nay mới có 49 ha được thả nuôi. Bởi vì đây chỉ là định hướng quy hoạch của xã Bình Giang vì thấy hiệu quả kinh tế của nó và lợi ích của việc bảo vệ rừng, bảo vệ đê biển. Vì vậy, xã Bình Giang đang kiến nghị về huyện Hòn Đất cho chuyển đổi mục đích từ nuôi sò, nuôi ba khía, nuôi tôm dưới tán rừng phòng hộ sang nuôi tôm công nghiệp để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ được diện tích rừng, chống sạt lở đê biển.
Ông Nguyễn Văn Thinh, ngụ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất có nhiều năm kinh nghiệm trồng lúa, trồng táo và nuôi cá, nhưng hiệu quả kinh tế thu được không cao. Với 3 ao cá diện tích gần 1 ha mặt nước, ông Thinh đã cải tạo lót bạt và trang bị phương tiện máy bơm nước… với hơn 100 triệu đồng kinh phí để cải tạo ao nuôi tôm thẻ chân trắng.
Mô hình không chỉ góp phần phát triển kinh tế từng hộ gia đình mà còn giữ được diện tích rừng phòng hộ, chống sạt lở đê biển. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Ông Thinh cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt, vốn đầu tư gấp 3 lần so với nuôi tôm trong ao đất thông thường, nhưng đổi lại tôm ít bị bệnh, người nuôi có thể thu hồi vốn nhanh sau một, hai vụ. Mỗi vụ thả nuôi có thể thu hoạch sau khoảng 3 tháng. Sản lượng đạt được khoảng hơn 3 tấn tôm/ha. Với giá bán từ 120.000 - 130.000 đồng/kg và sau khi trừ chi phí, ông Thinh thu lãi ngay vụ đầu trên 150 triệu đồng.
“Sau khi học hỏi, nghiên cứu cách thả nuôi tôm thẻ chân trắng, tôi về đầu tư nuôi. Lúc đầu cũng còn lo ngại, một số người thân trong gia đình can ngăn, nhưng tôi quyết tâm thực hiện. Ngay vụ đầu tiên, mỗi ao 3.000m2 cho thu lãi trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Như vậy là đã hoàn vốn đầu tư ban đầu”, ông Thinh bộc bạch.
Theo bà Lâm Thị Nga, ngụ ấp Vàm Biển, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, khởi nghiệp từ mô hình nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh, nhưng hiệu quả kinh tế không ổn định. Gần một năm nay, bà Nga tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng ở nhiều địa phương để áp dụng thả nuôi. Với diện tích 3 ha, trong đó, 1,5 ha bà Nga nuôi theo hướng công nghiệp, còn lại nuôi quảng canh. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và biện pháp chăm sóc phòng bệnh một cách nghiêm ngặt, nên mỗi vụ tôm cho thu hoạch hơn 4 tấn, bán trên 400 triệu đồng (lãi 50%).
Hiện xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất có 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm rủi ro do dịch bệnh, bảo vệ môi trường và tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, các ngành chuyên môn tại huyện Hòn Đất đã phối hợp với xã Bình Sơn, Bình Giang khảo sát và tổ chức lớp đào tạo nghề nuôi tôm thẻ chân trắng giúp các hộ dân dễ dàng kiểm soát mầm bệnh, tiết kiệm chi phí trong sản xuất.
Có thể nói, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng vùng ven biển huyện Hòn Đất đã mở ra hướng đi mới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con góp phần phát triển kinh tế, xóa nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó, hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế bền vững và góp phần giữ được rừng, chống đê biển bị sóng đánh sạt lở.
Lê Sen