Kiên Giang đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô 2021 - 2022

Người dân hứng nước sạch tại trạm cấp nước sạch miễn phí ở ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu - DTMN
Người dân hứng nước sạch tại trạm cấp nước sạch miễn phí ở ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu - DTMN

Tỉnh Kiên Giang đang thực hiện các giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, trung tâm các huyện, thành phố và các địa phương vùng sâu, ven biển, biên giới, hải đảo trong mùa khô 2021 - 2022.

 Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đơn vị chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ, vận hành hệ thống cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá, ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên, đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt cho hồ Tà Tây, cung cấp cho hệ thống cấp nước thành phố Rạch Giá.

Tiếp đến, đơn vị chức năng quản lý, vận hành cống Ba Hòn, kết hợp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương; đồng thời, vận hành cống Hà Giang để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Hà Tiên cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực biên giới tiếp giáp Campuchia.

Kiên Giang đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô 2021 - 2022 ảnh 1Người dân hứng nước sạch tại trạm cấp nước sạch miễn phí ở ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu - DTMN

Mặt khác, đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương chủ động tích nước an toàn vào các hồ chứa như: Dương Đông (Phú Quốc), Bãi Nhà (Kiên Hải)… để cấp nước sinh hoạt trên đảo trong mùa khô và khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng các hồ chứa nước đang thi công xây dựng ở một số đảo.

Qua khảo sát, thống kê của ngành chức năng, số hộ dân có khả năng thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng hạn mặn trong mùa khô 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh khoảng 9.900 hộ. Ngoài các giải pháp vận hành cống, ngăn mặn, giữ ngọt, tích nước vào hồ chứa, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, chủ động phương án đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, kể cả ở đất liền và vùng biển đảo, nhất là vào giai đoạn cao điểm mùa khô.

Theo đó, các địa phương tập trung thổi rửa các giếng khoang sẵn có, chuẩn bị phương án khoan thêm giếng để dự phòng và bổ sung nguồn cho các trạm cấp nước, tăng khả năng khai thác, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các trạm cấp nước và điểm cấp nước tập trung. Đơn vị chức năng rà soát thay thế những tuyến ống xuống cấp, hư hỏng, kéo dài thêm tuyến, lắp đặt đồng hồ nước nhà dân và đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình đang xây dựng sớm hoàn thành phục vụ cấp nước sinh hoạt cho hộ dân.

Ngoài ra, các địa phương rà soát, thống kê hộ dân ở phân tán địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có trạm cấp nước hoặc chưa có tuyến ống đi qua, đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa 1 m3 chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp (PAC) cho các hộ dân để xử lý nguồn nước mặt có thể sử dụng được. Chuẩn bị phương án chở nước đến những nơi thiếu nước nghiêm trọng, không có nguồn nước để sinh hoạt, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, đặc biệt là vận chuyển nước từ đất liền ra đảo trong tình huống khẩn cấp.

Dự kiến tổng kinh phí để khắc phục tình trạng thiếu nước của một số khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đảm bảo có nước sinh hoạt trong mùa khô 2021 - 2022 hơn 17 tỷ đồng. Cụ thể là hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho hộ dân; đầu tư giếng khoan, kéo dài tuyến ống, lắp đồng hồ, sửa chữa đường ống hư hỏng; vận chuyển nước từ đất liền ra đảo…

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm