Sau hơn một năm sưu tầm, phục hồi, phục dựng trang phục, trang sức, dựa trên cơ sở đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn, nghệ nhân, già làng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã ra mắt bộ trang phục truyền thống của đồng bào Ca Dong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xê Đăng), Xê Đăng và M’nông. Đây là một trong những nỗ lực của địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, góp phần phát triển du lịch cộng đồng.
Già làng Hồ Văn Bương, một trong những nghệ nhân được huyện Nam Trà My mời tham gia sưu tầm, phục dựng và đóng góp nhiều ý kiến quý báu về trang phục, trang sức của đồng bào Ca Dong chia sẻ, trang phục người Ca Dong gồm 4 gam màu chủ yếu là đen, đỏ, vàng và trắng. Các hoa văn, họa tiết được thể hiện dọc theo mép áo, ẩn chứa trong đó ý nghĩa nhất định về nhân sinh quan, lịch sử, cội nguồn của dân tộc.
Cũng theo già làng, nghệ nhân Hồ Văn Bương, trang phục của phụ nữ Ca Dong gồm áo và váy. Áo là kiểu áo chui đầu, tay cộc. Váy của người phụ nữ Ca Dong được dệt từ những sợi bông nhiều màu sắc, chủ yếu là đỏ, vàng, trắng. Thiếu nữ Ca Dong rất thích đeo chuỗi cườm nhiều màu sắc ở cổ, càng đeo nhiều chuỗi cườm càng thể hiện cho sự giàu có, sung túc của gia đình.
Phụ nữ Ca Dong có chồng và lớn tuổi, ngoài đeo các chuỗi cườm, họ còn mang nhiều trang sức bằng đồng, vòng bạc ở tay, cổ tăng thêm vẻ đẹp mỗi khi tham gia lễ hội của làng. Người đàn ông Ca Dong thường đóng khố, cởi trần.
Trong các lễ hội, đàn ông Ca Dong thường quấn chéo thêm tấm vải trên ngực, nhìn như một chiến binh đang ra trận. Có thể nói trang phục là một trong những nét văn hóa của một dân tộc, màu sắc trên trang phục người Ca Dong là sự kết tinh văn hóa trong môi trường tự nhiên, xã hội riêng biệt, mang nét đẹp của sự hồn nhiên, thanh khiết, như đất, nước, núi rừng, nghệ nhân Hồ Văn Bương đúc kết.
Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Trà My Phạm Văn Thương, trang phục của dân tộc Xê Đăng là các loại khố và áo. Áo của đàn ông là áo chui đầu tay áo được khoét sát nách. Trang phục truyền thống của phụ nữ gồm áo, váy, tấm choàng (khăn vai) và địu em bé. Thông thường, áo của phụ nữ Xê Đăng được may theo kiểu dáng cổ tròn, toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách.
Để tô điểm thêm, người Xê Đăng còn sử dụng các loại hình trang sức như: vòng đồng, vòng bạc trên cổ, chuỗi hạt cườm đá thắt lưng hoặc trên cổ, đặc biệt các loại trang sức cổ xưa như nanh, vuốt thú... làm nên đặc trưng sắc phục Xê Đăng. Thiếu nữ Xê Đăng đến tuổi trưởng thành thường dùng tấm choàng khoác qua người như dấu hiệu cho những chàng trai biết mình chưa xây dựng gia đình, có thể trò chuyện, tìm hiểu.
Xưa kia, nam giới Xê Đăng thường đóng khố, cởi trần. Trong các lễ hội, trang phục của đàn ông sẽ có thêm một tấm vải lớn thường quấn chéo trước ngực với nhiều hoa văn sặc sỡ. Trong cuộc sống đời thường, trang phục đàn ông Xê Đăng còn giúp con người thuận lợi trong sinh hoạt, lao động. Có thể nói rằng, trang phục truyền thống của người Xê Đăng là loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu, phong phú, đa dạng về loại hình, sản phẩm, có giá trị thẩm mỹ với những đường nét hoa văn, sắc màu độc đáo, mang nét đặc trưng của vùng đất Nam Trà My, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Trà My Phạm Văn Thương cho biết thêm.
Nếu như bộ sắc phục của đồng bào Ca Dong với 4 gam màu chủ yếu đó là đen, đỏ, vàng và trắng thì bộ trang phục truyền thống của người M’nông có màu đen đỏ chủ yếu, hoa văn trên trang phục chủ yếu được trang trí xung quanh váy, áo.
Trang phục của con gái M’nông gồm một chiếc váy quấn và áo được phối hợp với nhau, giúp người mặc vừa dịu dàng nhưng khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Bộ trang phục nữ gồm áo và váy, trên váy có nhiều hoa văn đa dạng, thể hiện nét đặc trưng của đồng bào. Cùng với trang phục, phụ nữ M’nông rất chú ý tới trang sức như, bông đeo tai bằng gỗ hoặc bằng tre, vòng cổ làm bằng đồng.
Trang phục của nam giới người M’nông thường gồm khố và áo dài. Đối với nam giới, trang phục thường đóng khố, cởi trần, trong đó khố được làm rất kĩ lưỡng. Trong những lễ hội truyền thống, người đàn ông thường quấn chéo thêm một tấm vải trên ngực.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, huyện đang thực hiện Đề án "bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc huyện Nam Trà My giai đoạn 2023 - 2025 định hướng đến năm 2030". Hơn một năm qua, huyện đã sưu tầm, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, tranh thủ tối đa ý kiến đóng góp của các nghệ nhân, già làng có uy tín trong quá trình phục dựng trang phục, trang sức của 3 dân tộc chính trên địa bàn gồm, Ca Dong, Xơ Đăng và M’nông. Đây là tiền đề để trong những năm tới Nam Trà My đẩy mạnh chương trình phục dựng trang phục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Qua đó khuyến khích giới trẻ, nhất là học sinh con em đồng bào các dân tộc sử dụng thường xuyên bộ trang phục truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong cuộc sống hiện đại.
Đoàn Hữu Trung