Chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tại tỉnh Hà Nam đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các con vật nuôi khác. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tại nhiều địa phương trong tỉnh đang gặp không ít khó khăn.
Anh Trần Văn Tam, xã La Sơn, huyện Bình Lục chăn nuôi bò thịt từ năm 2002. Do trong khu dân cư, diện tích chuồng trại nhỏ nên gia đình chỉ duy trì đàn bò ở mức 5 - 7 con. Sau nhiều năm chăn nuôi bò, thấy được hiệu quả kinh tế cao, năm 2017, khi khu chăn nuôi bò tập trung của xã La Sơn được xây dựng, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản với quy mô trên 70 con. Nhưng do thiếu diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò nên số lượng bò phải giảm dần, hiện còn 26 con.
Anh Trần Văn Tam cho biết, con bò khi được tiêm đầy đủ các loại vaccine thì hầu như sạch bệnh và rất khỏe mạnh, đặc biệt đầu ra và giá bán bò thịt, bê giống rất ổn định. Một con bò thịt giống 3B có trọng lượng 700 – 800 kg, cho thu lãi trên 10 triệu đồng/con. Còn đối với bò sinh sản, một con bê cái, sau 7 tháng có giá bán 17 - 19 triệu đồng/con, bê đực 25 - 27 triệu đồng/con, trừ chi phí mỗi con cho lãi 7 – 9 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế đã thấy rõ, diện tích chuồng trại đã đầu tư xây dựng, gia đình anh muốn duy trì quy mô đàn khoảng trên 70 con như trước đây nhưng lại không thuê được đất ruộng trồng cỏ làm thức ăn cho bò vì nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch trồng cỏ của xã không đồng ý cho thuê hoặc đổi ruộng. Anh đang tính phải đầu tư mua máy quấn rơm tích trữ thức ăn cho bò, mặc dù rơm không thể tốt bằng cỏ.
Trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Lan, xã La Sơn, huyện Bình Lục có thể 50 - 70 con bò thịt, bò sinh sản nhưng mấy năm nay đàn bò của gia đình chỉ duy trì ở mức 20-25 con bò sinh sản.
Chị Nguyễn Thị Thúy Lan cho biết, chăn nuôi bò sinh sản thụ tinh giống 3B mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Với 25 con bò sinh sản, mỗi năm gia đình xuất bán khoảng 20 con bê, cho thu lãi hơn 300 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại, gia đình rất muốn tăng đàn nhưng lại không bố trí được diện tích trồng cỏ cho bò. Vì vùng trồng cỏ đã được đưa vào quy hoạch nhưng thực tế vẫn là ruộng của bà con đang sản xuất. Bên cạnh đó, để phát triển chăn nuôi bò cũng cần đầu tư số vốn lớn để mua con giống; dịch viêm da nổi cục – một loại bệnh mới và rất nguy hiểm đã xuất hiện tại một số xã trên địa bàn…
Đề án chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025 của tỉnh Hà Nam đề ra đến năm 2020 tổng đàn bò thịt, bò sinh sản đạt 36.000 con nhưng đến hết tháng 6/2021 mới đạt 28.500 con. Toàn tỉnh có 6 khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung đã được xây dựng với tổng diện tích gần 50 ha tại các xã: La Sơn, Vũ Bản, An Đổ, Đồn Xá (huyện Bình Lục); Trần Hưng Đạo (huyện Lý Nhân) và Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng). Tại các khu chăn nuôi bò tập trung hiện mới có hơn 200 con. Việc mở rộng đang gặp khó khăn, có hộ đang tiến hành xây dựng chuồng trại chăn nuôi phải dừng lại do vướng mắc trong việc tích tụ ruộng đất.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã La Sơn, huyện Bình Lục cho biết, khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung tại xã La Sơn được xây dựng từ năm 2016. Qua 4 năm sản xuất cho thấy mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản cho hiệu quả rất cao. Tuy nhiên nhiều hộ dân muốn đầu tư chăn nuôi nhưng cần số vốn lớn, người dân vay lãi suất ngân hàng vẫn còn cao nên địa phương cũng đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất ưu đãi để phát triển chăn chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản. Việc không tích tụ được ruộng đất cũng đang là trở ngại chính khiến khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản của xã không mở rộng được. Hiện chính quyền xã đang tập trung chỉ đạo để tháo gỡ.
Tại một số địa phương khác của tỉnh Hà Nam, việc phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó vấn đề chính là nhiều khu chăn nuôi tập trung không thực hiện được việc tích tụ ruộng đất do một số hộ dân có đất ruộng nằm trong vùng quy hoạch không đồng ý cho thuê hoặc đổi ruộng. Cùng với đó, đầu tư chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản cần nguồn vốn lớn. Để xây dựng được chuồng trại, mua con giống và cải tạo đất trồng cỏ… cho trang trại nuôi trên 50 con bò thịt, bò sinh sản cần vốn đầu tư lên đến cả tỷ đồng. Bên cạnh đó, thời gian qua, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò đã xuất hiện tại một số địa phương với gần 500 con mắc…
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Hà Nam, chủ trương của tỉnh Hà Nam là tập trung phát triển chăn nuôi bò sinh sản bò thịt chất lượng cao theo quy mô nông hộ và trang trại; tạo thành những vùng chăn nuôi bền vững tại những địa phương có lợi thế về đất đai, ven sông Hồng, sông Châu Giang và sông Đáy; tiếp tục cải tạo, nâng cao chất lượng, tầm vóc đàn bò thông qua công tác bình tuyển, lai tạo, chọn lọc đàn bò cái nền chất lượng tốt để phục vụ nhân giống; đẩy mạnh ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo với các giống bò ngoại chất lượng cao để tăng số lượng và chất lượng đàn bò thịt. Tỉnh đặt mục tiêu, hết năm 2021, tổng đàn bò thịt, bò sinh sản đạt 29.600 con; năm 2025 đạt 36.000 con.
Để đạt mục tiêu trên, các địa phương trong tỉnh cần chủ động sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn đối ứng của người dân để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu quy hoạch chăn nuôi bò tập trung; khuyến khích các hộ chăn nuôi lấp đầy các khu quy hoạch đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện chăn nuôi; tiếp tục bố trí vùng trồng cây thức ăn để chủ động cung cấp thức ăn thô xanh và khuyến khích các hộ, nhóm hộ chăn nuôi thuê quyền sử dụng đất hoặc dồn đổi đất nông nghiệp được giao vào các khu vực quy hoạch để phát triển đàn bò.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở và người chăn nuôi có đủ kiến thức, trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi bò bền vững.
Nguyễn Chinh