Không phải là ngôi làng tỉ phú, nhưng cả làng đều sung túc và điều đặc biệt nhất là trong số 110 hộ của làng, có 107 hộ làm chung một nghề là nuôi bò vỗ béo. Cuộc sống của người dân thôn An Đôn, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã ổn định và ngày càng thịnh vượng.
Trăm nhà cùng nghề
An Đôn, gọi là làng, nhưng tên hành chính là thôn An Đôn, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định). Đến An Đôn, chúng tôi đi qua con đường bê tông nông thôn sạch đẹp, qua cánh đồng cỏ bạt ngàn, có hệ thống kênh mương được xây dựng để tưới cho đồng lúa, nhưng đã được người dân An Đôn “chuyển đổi công năng” sang tưới cỏ chất lượng cao.
Cánh đồng An Đôn trước được trồng lúa, nhưng vì hiệu quả không cao cùng với việc người dân tập trung vào chăn nuôi nên cánh đồng đã được chuyển hoàn toàn sang trồng cỏ. Từ sau khi được tái định cư khi thực hiện dự án hồ chứa nước An Đôn, thôn An Đôn được bố trí định cư rất bài bản.
Đường làng ngõ xóm được quy hoạch theo lối bàn cờ, mỗi căn hộ đều có diện tích lớn đủ để ngoài việc xây dựng nhà ở khang trang, mỗi gia đình đều có thể làm chuồng trại chăn nuôi. Chiều xuống, cả một vùng quê hiện lên màu xanh thẫm của núi rừng, cây cối, thì những chiếc xe lôi chở đầy cỏ tươi lại được đưa về từng nhà. Ngay phía trước từng chuồng bò đều là những ngôi nhà khang trang, một số ngôi nhà đã kịp để bên dưới mái hiên những chiếc ô tô mới.
Ông Lê Văn Quang, một người dân thôn An Đôn chỉ tay vào con bò lai giống BBB (thường gọi là giống 3B) được mua về từ 6 tháng trước, nói: “Con đó, lúc mua về 26 triệu, sau 6 tháng chăm sóc, vỗ béo, giá của nó bây giờ là 45 triệu đồng, nhưng mà tôi chưa bán, chờ vài tháng nữa, nó sẽ có giá cao hơn nhiều”.
Khắp thôn, người người, nhà nhà đều chăm bò, vỗ béo bò. Vợ chồng ông Phạm Tấn Sinh và bà Trần Thị Thanh Hương đang vỗ béo 8 con bò trong chuồng (2 bò cái, 6 bò đực). Ông Sinh vui vẻ nói: “Kinh tế của người dân ở đây là con bò. Trước thì nhiều người nuôi lợn nhưng sau khi lợn bị dịch bệnh và kinh tế giảm, người dân chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Cứ vỗ béo bò như vậy, mỗi năm, mỗi gia đình cũng thu được vài chục triệu”.
Gia đình anh Phạm Tấn Sinh thường xuyên có 8 con bò lai trong chuồng được vỗ béo. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN
Trưởng thôn An Đôn Lê Thanh Bình khoe: “Nuôi bò vỗ béo hiện đang là ngành nghề chính của người dân thôn An Đôn. Toàn thôn có 110 hộ thì có 107 hộ nuôi bò vỗ béo. Bình quân, mỗi hộ dân thường xuyên nuôi vỗ béo từ 6 - 10 con bò. Sau đó sẽ luân chuyển khi xuất chuồng. Nếu tính hiệu quả kinh tế thì lợi nhuận ròng khoảng 10 triệu đồng/con sau khi vỗ béo, có khi thị trường thuận lợi thì lợi nhuận còn cao hơn”.
Làng nghề điển hình
Nghề chăn nuôi bò tại huyện Hoài Ân đã phát triển từ lâu đời, cho đến hiện tại, người chăn nuôi ngày càng chú trọng hơn tới hiệu quả kinh tế và tỉ suất lợi nhuận. Không tập trung phát triển số lượng đàn, người dân đang thực hiện chăn nuôi số lượng vừa phải trong một khoảng thời gian nhất định để đạt được lợi nhuận cao nhất có thể.
Trước đây, dân An Đôn tập trung nuôi lợn để phát triển kinh tế, vài năm gần đây đều đã chuyển sang nuôi bò, những hộ hiếm hoi còn lại không chuyển sang nuôi bò là vẫn còn nuôi lợn. Vì thế, nghề chăn nuôi đối với người dân vùng trung du và cả miền núi này không hề khó khăn.
Huyện Hoài Ân là điển hình của cả nước về chăn nuôi thì An Đôn là điển hình của Hoài Ân về nuôi bò vỗ béo. Tại thôn An Đôn, đã lâu lắm rồi, chính quyền địa phương không phải hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò cho các hộ dân. Người dân chủ yếu tự học hỏi lẫn nhau. Ông Phạm Tấn Sinh kể: “Vợ chồng tôi học bà con lối xóm về kỹ thuật chăn nuôi bò. Cả ngày cho bò ăn cỏ, trưa thì cho uống cám. Tùy vào trọng lượng của bò mà tăng dần lượng cám, từ 1kg lên 2kg rồi 3kg/ngày”.
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân Nguyễn Thanh Vương cho biết, trong năm 2020, huyện Hoài Ân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định xây dựng 2 mô hình chăn nuôi bò lai. Mỗi mô hình được hỗ trợ 10 con bò giống chất lượng cao và hỗ trợ nguồn kinh phí chăn nuôi 25 triệu đồng để bổ sung thức ăn và trồng cỏ.
Những mô hình nuôi bò vỗ béo chất lượng cao cũng được hỗ trợ từ năm 2017 đến nay đều tập trung vào giống bò BBB và Red Angus. Hoài Ân hiện có tổng đàn bò hơn 2.300 con; trong đó, trên 80% tổng đàn là bò lai chất lượng cao. Nhu cầu về chăn nuôi bò hiện nay cũng đang phát triển mạnh. Nhiều hộ nông dân đã đầu tư tiền tỉ để nuôi bò, một số hộ chăn nuôi bò cái để phối tinh bò lai, con giống xuất chuồng cho người nuôi vỗ béo bò thịt với giá từ 20 - 25 triệu đồng/con giống, cao hơn gấp 5-7 lần so với nuôi giống bò thường.
Chăn nuôi bò có lợi lớn về mặt môi trường so với các loại vật nuôi khác là toàn bộ chất thải đều được thu hồi làm phân bón, không phải tốn chi phí xây dựng hệ thống xử lý, môi trường luôn được đảm bảo. Những thôn, xóm như An Đôn trên vùng đất trung du và một phần thuộc khu vực miền núi như huyện Hoài Ân sẽ ngày càng nhiều hơn trong tương lai gần.
Phạm Kha