Nuôi bò góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân. Ảnh: Minh Trí-TTXVN |
Giải pháp được tỉnh đề ra là nghiên cứu thị trường đầu ra; quy hoạch các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện đất đai; phát triển phương thức nuôi công nghiệp quy mô lớn có ứng dụng công nghệ cao; thử nghiệm xây dựng các chuỗi bò thịt khép kín bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh với hệ thống truy nguyên nguồn gốc… Miền núi Nghệ An có 11/21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Đây được coi là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi bò. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc phát triển chăn nuôi bò tại miền núi Nghệ An gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đơn cử, từ năm 2015, tỉnh Nghệ An đã xây dựng đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò hàng hóa cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo di dân, định canh định cư trên địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020”, tổng kinh phí phê duyệt 34.522 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 80%, ngân sách tỉnh 15%, ngân sách huyện 2%, các hộ dân đóng góp 3%. Nhưng, hàng năm nguồn kinh phí phê duyệt để thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu. Mãi đến năm 2018, nguồn vốn ngân sách tỉnh mới cấp được 3,9 tỷ đồng; tổng số kinh phí còn thiếu do Trung ương hỗ trợ (80%) là 27,618 triệu đồng. Mặt khác, tại các huyện miền núi Nghệ An phương thức chăn nuôi bò chủ yếu vẫn là chăn thả truyền thống 1-2 con/hộ gia đình hoặc dưới dạng trại chăn nuôi nuôi nhỏ từ 5-10 con/hộ gia đình, ít được đầu tư, quan tâm đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi và công tác chuồng trại, thú y. Khắc phục tình trạng trên, hiện nay tại các huyện miền núi Nghệ An, tỉnh Nghệ An đang khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi bò mới gắn với hỗ trợ giống, vốn cho người nuôi. Riêng với bò thịt, tại các huyện miền núi Nghệ An sẽ hướng tới mô hình chăn nuôi hàng hóa bền vững nhằm tạo sinh kế, an sinh và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Nguyễn Văn Nhật