Khó khăn khi triển khai dạy chương trình sách giáo khoa mới lớp 6 ở vùng cao Sơn La

Giờ học bộ môn Khoa học tự nhiên của học sinh lớp 6, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Giờ học bộ môn Khoa học tự nhiên của học sinh lớp 6, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, trong đó có hai môn tích hợp được thiết kế trong quá trình dạy học. Tại các trường học ở Sơn La, qua 3 tháng thực hiện, những khó khăn đã bộc lộ cần sớm được quan tâm tháo gỡ.

Khó khăn khi triển khai dạy chương trình sách giáo khoa mới lớp 6 ở vùng cao Sơn La ảnh 1Giờ học bộ môn Khoa học tự nhiên của học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Trường Trung học Cơ sở Chiềng Đen là một trong những trường khó khăn nhất trên địa bàn thành phố Sơn La. Trường có ba lớp 6 với 101 học sinh, hầu hết là con em đồng bào dân tộc Thái. Sau 3 tháng thực hiện chương trình thay đổi sách giáo khoa cũng như dạy và học hai môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, nhà trường nhận thấy, việc để một giáo viên đứng ra kiêm nhiệm cả ba phân môn trong một bộ môn là quá tải. Ngoài ra, do chưa được tập huấn, bộ môn Khoa học tự nhiên vẫn phải có ba giáo viên phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cùng dạy theo từng nội dung của sách giáo khoa.

Khó khăn khi triển khai dạy chương trình sách giáo khoa mới lớp 6 ở vùng cao Sơn La ảnh 2Giờ học bộ môn Khoa học xã hội của học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Cô giáo Đinh Thị Thúy Hà, Trường Trung học Cơ sở Chiềng Đen chia sẻ, để đáp ứng chương trình, một giáo viên phải kiêm nhiệm cả ba phân môn trong bộ môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay, nhà trường vẫn phải bố trí ba giáo viên dạy từng phân môn của sách giáo khoa, trong đó có một giáo viên chính kết nối các giáo viên còn lại dẫn tới hạn chế về trao đổi kinh nghiệm cũng như triển khai phương pháp dạy học của bộ môn.

Khó khăn khi triển khai dạy chương trình sách giáo khoa mới lớp 6 ở vùng cao Sơn La ảnh 3Giờ học bộ môn Khoa học xã hội của học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Hai môn học là Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 6 từ năm học này. Từ đầu năm học đến nay, đối với môn học Hoạt động trải nghiệm, nhiều trường học trên địa bàn không thể triển khai do dịch COVID-19. Mặt khác, với các trường học ở khu vực miền núi, trang thiết bị phục vụ môn học thiên về thực hành còn thiếu nên khó đáp ứng yêu cầu giảng dạy những bộ môn mới này.

Khó khăn khi triển khai dạy chương trình sách giáo khoa mới lớp 6 ở vùng cao Sơn La ảnh 4Trang thiết bị phục vụ hoạt động thực hành, thí nghiệm tại Trường Trung học Cơ sở Chiềng Đen, thành phố Sơn La còn thiếu thốn, chưa đầy đủ. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Theo thầy Bùi Bảo Quốc, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Chiềng Đen, hiện nay, đội ngũ giáo viên nhà trường còn thiếu so với quy định là 5 biên chế nên khó khăn trong sắp xếp, bố trí công tác. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp như Khoa học tự nhiên hiện chưa được đào tạo đồng bộ để đảm nhiệm dạy cả ba phân môn. Về các thiết bị dạy học cho từng bộ môn theo đúng quy định trong Thông tư 44/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về thiết bị dạy học tối thiểu đối với học sinh lớp 6, hiện nay, nhà trường chưa được bổ sung cấp mới đủ theo danh mục, quy định. Hiện nay, trang thiết bị phục vụ các môn học của lớp 6 đa số đang lấy lại của những năm trước để sử dụng nhưng chất lượng chưa đảm bảo so với yêu cầu. Trước thực tế đó, nhà trường mong muốn, đối với các môn dạy học tích hợp, cơ quan có thẩm quyền nên tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên. Ví dụ, giáo viên đang dạy môn Sinh học được bồi dưỡng thêm môn Hóa học, Vật lý, qua đó đảm bảo cho quá trình dạy học trên lớp được đồng bộ.

Khó khăn khi triển khai dạy chương trình sách giáo khoa mới lớp 6 ở vùng cao Sơn La ảnh 5Giờ học bộ môn Khoa học tự nhiên của học sinh lớp 6, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Chương trình dạy học tích hợp đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 6 từ năm học 2021-2022 được xây dựng theo hướng mở, giúp giảm tải lượng kiến thức bị trùng lặp ở từng môn đơn lẻ, đồng thời, hướng học sinh tới việc học đi đôi với hành. Tuy nhiên, các ý kiến giáo viên cho rằng, đối với học sinh vùng cao, nhiều gia đình chưa thể đáp ứng đủ điều kiện để các em thực hiện nội dung liên quan đến thực hành.

Khó khăn khi triển khai dạy chương trình sách giáo khoa mới lớp 6 ở vùng cao Sơn La ảnh 6Giờ đọc sách tại thư viện của học sinh Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Cô giáo Nguyễn Thị Nga, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nà Bó, huyện Mai Sơn cho hay, việc chuẩn bị bài, thí nghiệm, thực hành ở nhà, học sinh chưa có điều kiện để thực hiện trước. Đây là một trong những khó khăn khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Bởi theo chương trình mới này, chủ yếu các em phải chủ động nắm bắt, chuẩn bị kiến thức ở nhà theo yêu cầu của giáo viên. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn miền núi, điều kiện gia đình của các em chưa đáp ứng được sự thay đổi đó.

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn thông tin, trong quá trình triển khai chương trình mới, Phòng tổ chức Đoàn công tác để giúp đỡ các nhà trường, kiểm tra triển khai nội dung chương trình. Một số thầy cô giáo được đã được đào tạo việc giảng dạy các môn học tích hợp. Để thực hiện chương trình này tốt hơn, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục cử giáo viên đi tập huấn theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, trước khi triển khai chương trình mới, đơn vị đã chủ động tổ chức tập huấn cho trên 1.380 giáo viên giảng dạy lớp 6 trong toàn tỉnh. Sở chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học; phân bổ, sắp xếp hợp lý giáo viên, thời lượng dạy học giữa nội dung môn học tích hợp và chương trình giáo dục hiện hành. Hiện nay, các đơn vị giáo dục trên địa bàn đang chủ động khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm