Khi đồng bào dân tộc thiểu số không trông chờ, ỷ lại

Khi đồng bào dân tộc thiểu số không trông chờ, ỷ lại
Người dân thôn 4, xã Liên Đầm yên tâm hơn khi đi trên cầu mới.
Người dân thôn 4, xã Liên Đầm yên tâm hơn khi đi trên cầu mới.
Trước đây, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, đời sống của đồng bào DTTS huyện Di Linh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng từ khi thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, đến nay, đời sống của bà con trên địa bàn huyện nói riêng đã từng bước được nâng cao, thôn buôn ngày thêm được khởi sắc. Từ đó, việc người dân tham gia chung tay, góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới gặp nhiều thuận lợi.
Ông K’Bái, thôn trưởng (thôn 4, xã Liên Đầm) cho biết: “Những năm qua, người dân thôn chúng tôi gặp khó khăn lớn nhất là tuyến đường vào khu vực sản xuất. Mùa mưa rất lầy lội, mùa nắng lại bụi mù. Hơn nữa, do tuyến đường này phải qua con suối, không có cây cầu. Cầu tạm làm bằng gỗ nhiều năm sử dụng đã bị xuống cấp, nên rất nguy hiểm cho người và xe cộ mỗi khi lưu thông trên cầu. Riêng các loại xe công nông mỗi khi vận chuyển nông sản, phân bón đều phải lội xuống suối”. 
Để giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại phục vụ sản xuất, năm 2012, Ban nhân dân thôn đã tổ chức họp dân để bàn bạc, lấy ý kiến của bà con về mức đóng góp xây dựng cây cầu. Theo đó, hộ khá giả đóng 400 ngàn đồng/hộ; hộ nghèo đóng từ 100 - 200 ngàn đồng; những hộ có máy cày tay, máy kéo đóng 500 ngàn đồng. Xây dựng cầu là một việc làm rất bức thiết và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đời sống kinh tế của người dân trong thôn, nên khi được Ban nhân dân thôn tuyên truyền, vận động, 218 hộ dân trên địa bàn đều đồng thuận đóng góp trên 78 triệu đồng. Ngoài số tiền trên, bà con còn đóng góp ngày công lao động để xây dựng cây cầu có chiều dài 12m, rộng 1,4m, với kết cấu: Móng bê tông, thanh cầu làm bằng sắt, mặt cầu được lót ván. Hiện nay, Ban nhân dân thôn 4 đang vận động người dân tiếp tục đóng góp 100.000 đồng/hộ để nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 20 đến đầu cầu có chiều dài 600m.
Tương tự, thôn Đồng Đò có 273 hộ, trong đó có trên 90% là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Vì không có hội trường, nên nhiều năm qua, Chi bộ và Ban nhân dân thôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, hội họp, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Mỗi lần sinh hoạt, thôn đều phải mượn nhà dân và lớp học (vừa chật chội, phiền hà và hiệu quả công việc đạt thấp). 
Trước thực trạng trên, năm 2014, Chi bộ và Ban nhân dân thôn Đồng Đò đã vận động người dân đóng góp 212 triệu đồng (một hộ đóng hơn 900.000 đồng), xây dựng hội trường thôn có diện tích sàn 140m2 và xây cổng, sân… “Thôn Đồng Đò được đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo phương án Nhà nước hỗ trợ 50% và nhân dân đóng góp 50%, với tổng kinh phí 256 triệu đồng. Tuy nhiên, theo thiết kế, hội trường chỉ có diện tích sử dụng 54m2, không có các hạng mục trần nhà, điện thắp sáng…, chi phí thiết kế lên đến 20 triệu đồng và tiền đối ứng năm sau mới được thanh toán. Vì vậy, chúng tôi quyết định vận động người dân đóng góp, tự xây dựng hội trường, vừa rộng rãi và đẹp hơn và cái chính là đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của bà con” - ông Lê Tiến Quân, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Đò nói.
Theo anh Đa Cha Vũ Bảo, Bí thư Đoàn xã Tân Nghĩa: Khi có hội trường, bà con rất phấn khởi. Trước đây do khó khăn về nơi sinh hoạt, nên việc tập hợp thanh thiếu niên trong thôn gặp không ít khó khăn. Từ khi có hội trường, Chi Đoàn thường xuyên duy trì sinh hoạt từ 1 - 2 lần/tháng, như: tổ chức ca hát, đánh cồng chiêng, múa xoan cũng như triển khai các hoạt động Đoàn… Hiện, thôn đã và đang vận động nhân dân đóng góp cùng với số tiền đối ứng của Nhà nước để “bê tông hóa” các tuyến đường nội thôn.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm