Lực lượng chức năng huyện Bảo Thắng giúp nhân dân địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Lào Cai dông lốc đã làm hỏng trên 1.700 ngôi nhà với mức độ thiệt hại từ 30% đến trên 70%; trong đó, thị xã Sa Pa bị thiệt hại nặng nề nhất với gần 1.000 nhà. UBND các huyện, thị xã, thành phố Lào Cai đã tổ chức thăm hỏi, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân sơ tán tài sản và bố trí chỗ ở tạm đối với các gia đình, cá nhân có nhà bị hư hỏng nặng; giúp đỡ các gia đình dọn dẹp, gia cố, lợp lại nhà ở. Khoảng 260ha lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp và cây trồng hàng năm bị thiệt hại. Các hộ dân đang vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giống để gieo, trồng thay vào những diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Mưa lốc làm tốc mái, đổ tường rào, sạt ta luy dương tại 13 trường học thuộc các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn. Chính quyền các địa phương đã có phương án bố trí cho học sinh học tạm tại các nhà văn hóa thôn và ghép lớp ngay khi các em đi học trở lại. Dông lốc đã làm gãy đổ 21 cột điện hạ thế và điện chiếu sáng ở Sa Pa, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai và Bát Xát. Chính quyền các địa phương có đường điện bị gãy đổ đã phối hợp ngành điện lực khắc phục, đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho nhân dân. Trong những ngày qua, các ngầm tràn Phú Nhuận (Bảo Thắng), Võ Lao (Văn Bàn) bị ách tắc giao thông do nước dâng cao. Hiện nước đã rút, các phương tiện giao thông có thể qua lại bình thường.
Mưa lớn làm sập trường tiểu học Tân Văn 2 (huyện Bảo Yên). Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Trước tình hình mưa lũ được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản về việc chủ động sẵn sàng trong công tác phòng tránh, ứng phó trước mọi tình huống do mưa, lũ gây ra. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân nhận biết, chủ động ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh như: gia cố, bảo vệ mái nhà sử dụng vật liệu dễ bị tốc, vỡ; che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người và tài sản; kiểm tra, rà soát nơi ở của người dân, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra dông lốc, sét và mưa đá, chuẩn bị các phương án để chủ động ứng phó với thiên tai.
Hương Thu