Khách quốc tế tăng, du lịch Bình Thuận dồn sức vào mùa cao điểm cuối năm

Bình Thuận đang bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế. Năm nay, lượng khách quốc tế được kỳ vọng sẽ khôi phục mạnh mẽ và tăng cao. Để không lỡ nhịp, ngành du lịch Bình Thuận triển khai nhiều hoạt động kích cầu, trải nghiệm hấp dẫn nhằm thu hút du khách.

vna_potal_mui_ne_lot_top_5_diem_den_doc_dao_tai_chau_a_-_thai_binh_duong_7311800.jpg
Khách du lịch có thể đến Mũi Né quanh năm, mỗi mùa “thiên đường biển” lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tín hiệu khởi sắc

Ngay từ tháng 10, Bình Thuận ghi nhận những tín hiệu khởi sắc khi lượng khách quốc tế có dấu hiệu tăng trưởng về số lượng lẫn đa dạng thị trường. Trước đây, khách quốc tế đến Bình Thuận chủ yếu là từ Nga, Ukraine thì hiện nay đã có thêm khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Anh, Hoa Kỳ… Khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành (thành phố Phan Thiết) vẫn là nơi thu hút đông du khách.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong tháng 10/2024, tỉnh đón khoảng 25.900 lượt khách quốc tế, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đón 312.800 lượt khách quốc tế, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh… Đây là những tín hiệu khả quan để Bình Thuận tiến gần hơn mục tiêu đón 320.000 lượt khách quốc tế trong năm nay.

Theo một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, resort tại Mũi Né, sau COVID- 19, xu hướng của du khách có thay đổi. Bên cạnh khách là người lớn tuổi, lưu trú dài ngày, số khách đi theo tour xuyên Việt, lưu trú ngắn tăng lên. Do vậy, thời gian lưu trú của khách quốc tế năm nay ở Bình Thuận trung bình 5-7 đêm, khách không đặt phòng quá xa trước ngày “check- in”.

Rõ ràng, chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh đã phát huy hiệu quả, thu hút du khách đến Bình Thuận và Việt Nam. Bên cạnh đó, những đánh giá về du lịch Mũi Né, Bình Thuận được các tổ chức trong nước, quốc tế xếp hạng, bình chọn cũng là “điểm cộng” để du khách quốc tế tìm đến.

vna_potal_binh_thuan_thu_hut_du_khach_trong_dip_le_gio_to_hung_vuong_6045414.jpg
Các bãi tắm công cộng thu hút du khách lẫn người dân địa phương. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN

Điển hình, Mũi Né lọt vào top 5 điểm đến độc đáo, gây bất ngờ, mang đến những trải nghiệm đẳng cấp thế giới ngay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Booking.com bình chọn (năm 2024); Tạp chí cẩm nang du lịch Lonely Planet của Hoa Kỳ đã có nhiều bài viết giới thiệu về bãi biển Mũi Né, Đồi cát Mũi Né (năm 2023); Mũi Né là một trong 10 điểm du lịch hàng đầu do Công ty dịch vụ lưu trữ hành lý Bounce bình chọn (năm 2021)…

Bà Cornelia Praedel, du khách Đức cho biết: “Tôi đã xem nhiều hình ảnh về Việt Nam trên ti vi, tạp chí nên tôi quyết định đến đây và đúng như kỳ vọng, bãi biển đẹp, không gian yên bình và con người ở đây rất thân thiện, tốt bụng, dịch vụ lưu trú tốt. Đặc biệt, tôi rất thích trái cây Việt Nam”.

Đa dạng sản phẩm

Tại Bình Thuận, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là cao điểm “trú đông” của khách quốc tế. Nghỉ dưỡng và thỏa thích đam mê các môn thể thao dưới ánh nắng ấm là sản phẩm du lịch lợi thế mà du khách quốc tế muốn trải nghiệm.

Chị Caitlin Robertson, du khách Australia chia sẻ: “Đến với Mũi Né, tôi thích được nghỉ dưỡng tại resort. Tận hưởng chậm rãi ngày nghỉ của mình tại vùng biển, không phải hoạt động gì quá nhiều. Thưởng thức các món ăn tại nhà hàng, thư giãn với spa, lúc lại ở hồ bơi, rồi phòng tập thể dục, được trải nghiệm một mùa đông hoàn toàn khác với quê nhà đã là một điều thú vị”.

vna_potal_ba_muoi_nam_tai_lap_tinh_khang_dinh_thuong_hieu_du_lich_binh_thuan_6013925.jpg
The Cliff Resort & Residences, một trong những điểm du lịch cao cấp tại biển Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh – TTXVN

Nắm bắt nhu cầu này của du khách, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch, resort tại Bình Thuận đều đầu tư thêm tiện ích, xây dựng combo trọn gói thiên về nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Tổng Giám đốc Muine Bay resort cho biết: Sản phẩm nghỉ dưỡng biển từ lâu trở thành thế mạnh của Mũi Né và Bình Thuận. Những lợi thế về cảnh quan, khí hậu, ẩm thực… là điểm thu hút khách quốc tế. Nhằm phục vụ tốt mùa khách quốc tế dịp cuối năm, cùng với nâng cấp chất lượng dịch vụ hiện có, đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng, mở thêm không gian xanh để du khách nghỉ dưỡng; đào tạo kỹ năng, thái độ phục vụ khách cho nhân viên; nâng cấp nhà hàng…

Văn hóa bản địa cũng là một yếu tố làm nên nét đặc trưng thu hút du khách, nhất là khách quốc tế đến Bình Thuận. Hành trình khám phá văn hóa đang có nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ và đa dạng, giúp du khách trải nghiệm gần gũi hơn với cuộc sống, nét đẹp văn hóa của người dân địa phương... Điển hình, tour Phan Thiết- đồi cát Bàu Trắng - khám phá văn hóa Chăm ở Bắc Bình như: Đền thờ Pô Anit, Pô Klong Mơhnai, Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm, làng nghề gốm truyền thống Chăm Bình Đức, Kho mở Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú còn “mang” cả không gian văn hóa Chăm về tại resort tạo tiện ích, thuận lợi cho du khách trải nghiệm.

vna_potal_mui_ne_lot_top_5_diem_den_doc_dao_tai_chau_a_-_thai_binh_duong_7311821.jpg
Khách du lịch tham quan tháp Poshanư, điểm đến văn hóa nổi tiếng gần Mũi Né. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Pandanus resort tổ chức Chương trình trải nghiệm văn hóa Chăm ngay tại tiền sảnh, nhằm tạo sân chơi cho du khách đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh, văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm. Từ ngày 2/11 đến ngày 15/12, các nghệ nhân người Chăm trình diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm và hướng dẫn du khách trải nghiệm tại chỗ. Đơn vị phối hợp Bảo tàng cổ vật Mũi Né trưng bày hiện vật, cổ vật, bộ sưu tập tranh liên quan đến văn hóa Chăm tại các lối đi, nhà hàng, khuôn viên xanh, tạo ra không gian văn hóa Chăm thu nhỏ ngay ở cơ sở lưu trú. Cùng với đó là Lễ hội văn hóa ẩm thực Chăm để giới thiệu món ăn đặc trưng như bánh gừng, dê nước lèo, gà nướng cơm béo, gỏi xoài cá cơm tươi…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, dịp cuối năm là mùa thấp điểm khách nội địa, trong khi thị trường khách quốc tế, dù còn khó khăn nhất định vẫn có những chuyển động, khởi sắc. Vì thế, ngành Du lịch đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến, kết nối thị trường; triển khai hiệu quả Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng gói sản phẩm trải nghiệm kết nối điểm đến, địa phương trọng điểm…

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm