Bình Thuận kết nối giao thương, hướng đến phát triển du lịch bền vững

Ngày 19/6, tại Bình Thuận, Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Đô thị Kinh tế Du lịch biển và Giải trí NovaWorld Phan Thiet tổ chức tọa đàm du lịch Phan Thiết - Bình Thuận kết nối giao thương - Phát triển bền vững và lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội du lịch Bình Thuận và Nova Service Group.

vna_potal_binh_thuan_ket_noi_giao_thuong_huong_den_phat_trien_du_lich_ben_vung_7438269.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chia sẻ về những định hướng phát triển du lịch bền vững tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, với đường bờ biển dài 192 km và những lợi thế nổi trội như nắng, gió, đồi cát, bãi biển đẹp, thời tiết thuận lợi... Bình Thuận được biết đến như một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn. Đặc biệt, hiện nay, hạ tầng phát triển, kết nối nhanh tạo nên cú hích mới cho du lịch, thậm chí đã "vẽ" lại bản đồ thị trường du lịch trong nước.

Các tuyến cao tốc không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Bình Thuận, tạo ra trục hành lang kinh tế vùng mà còn tạo bước đột phá mới cho ngành du lịch. Đây chính là yếu tố tiên quyết để thị trường du lịch phát triển. Tận dụng cơ hội này, các đô thị du lịch trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng nhu cầu của mọi tệp du khách, từ đó, giữ chân du khách lâu hơn và thu hút khách quay lại nhiều hơn.

vna_potal_binh_thuan_ket_noi_giao_thuong_huong_den_phat_trien_du_lich_ben_vung_7438281.jpg
Doanh nghiệp du lịch đặt câu hỏi về định hướng phát triển du lịch Bình Thuận tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ nhiều định hướng để du lịch Bình Thuận phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Đơn cử, ngoài sự định hướng, ban hành chính sách thu hút đầu tư của chính quyền địa phương, để thị trường du lịch trong tỉnh tăng tốc, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong đầu tư, xây dựng, kết nối và phát triển du lịch, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, năng lực thực hiện.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để du lịch Bình Thuận phát triển hơn nữa, xứng tầm vị thế, đạt mục tiêu 9,5 triệu lượt khách trong năm 2024, không chỉ cần khai thác tiềm năng hiện có mà còn phải chú trọng phát triển tổ hợp vui chơi, giải trí, ẩm thực nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời tăng cường kết nối giao thương, hợp tác giữa các doanh nghiệp tại địa phương và xây dựng chiến lược truyền thông quảng quá rộng khắp để Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung trở thành điểm đến số một của khu vực không chỉ du khách trong nước mà còn đối với du khách quốc tế.

vna_potal_binh_thuan_ket_noi_giao_thuong_huong_den_phat_trien_du_lich_ben_vung_7438276.jpg
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận cho biết, Bình Thuận có nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Hòn Rơm là khách trung cấp, Mũi Né là khách cao cấp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài nguồn khách chuyển đổi khác nhau. Thời gian lưu trú của du khách đang bị rút ngắn lại do Bình Thuận không đủ sản phẩm để giữ chân khách lâu hơn, thiếu sản phẩm để khách tiêu tiền, thiếu các hệ sinh thái, sản phẩm du lịch về đêm. Sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các trung tâm du lịch lớn trên cả nước.

Do đó, ngoài sự định hướng, ban hành chính sách thu hút đầu tư của chính quyền, sở, ban, ngành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ cần kết hợp, đưa ra dịch vụ trọn gói, khai thác chéo các nguồn khách hàng để tăng giá trị chi tiêu bình quân đầu khách, tăng doanh thu ngành du lịch...

Về mặt chủ trương, tỉnh luôn ủng hộ đã và đang có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch...

vna_potal_binh_thuan_ket_noi_giao_thuong_huong_den_phat_trien_du_lich_ben_vung_7438278.jpg
Đại diện hiệp hội, doanh nghiệp du lịch Bình Thuận chia sẻ về cách xây dựng thêm sản phẩm du lịch tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để du lịch Bình Thuận đạt được các mục tiêu đề ra, cần sự chung tay kết nối của các cấp chính quyền, sở, ban, ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Vai trò của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn đóng vai trò rất quan trọng. Sự chung tay vào cuộc của các nhà đầu tư lớn giúp du lịch địa phương có thêm nhiều dự án, sản phẩm, dịch vụ...

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ, mục tiêu đón 9,5 triệu lượt khách trong năm 2024 là một thách thức rất lớn cho ngành du lịch. Vì vậy cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch cũng như tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch hơn nữa đáp ứng sự hài lòng cho du khách.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Bình Thuận ước đón trên 3,7 triệu lượt khách, tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế đạt gần 199 ngàn lượt. Với hệ thống đường cao tốc đến Bình Thuận đã được kết nối, hạ tầng đang dần hoàn thiện cùng các chính sách thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn tiếp tục phát huy tác dụng và sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh mong rằng mục tiêu đón khách trong năm 2024 sẽ thành công.

Tại tọa đàm đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội du lịch Bình Thuận và Nova Service Group. Với sự hợp tác này, hai bên đều kỳ vọng vào việc phát huy thế mạnh mỗi bên, chung tay đưa du lịch Phan Thiết - Bình Thuận lên tầm cao mới.

vna_potal_binh_thuan_ket_noi_giao_thuong_huong_den_phat_trien_du_lich_ben_vung_7438266.jpg
Ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội du lịch Bình Thuận và Novaservice Group. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Nguyễn Thanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm