Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, có nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng Võ Nhai lại có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, cây dược liệu và phát triển kinh tế rừng.
Hiện toàn huyện đã có hơn 1.400 ha cây ăn quả; trong đó diện tích cho sản phẩm trên 1.000 ha, có nhiều vùng cây ăn quả tập trung, đem lại thu nhập cao như: vùng trồng na xã La Hiên với diện tích trên 300 ha, cho thu nhập từ 380 triệu đến 400 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng bưởi xã Tràng Xá với diện tích trên 350 ha cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng ổi xã Phú Thượng có giá trị thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm...
Ngoài ra, Võ Nhai cũng xây dựng được vùng chè đặc sản với tổng diện tích hơn 1.200 ha với sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 10.800 tấn/năm cùng nhiều mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bước đầu, ở một số xã phía Bắc huyện như: Cúc Đường, Nghinh Tường, Sảng Mộc... đã xuất hiện các mô hình trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích hơn 100 ha, chủ yếu trồng các giống dược liệu được thị trường ưa chuộng như: đinh lăng, hà thủ ô, cà gai leo, ba kích, giảo cổ lam, trà hoa vàng...
Theo ông Hoàng Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, trong thời điểm hiện nay, phát triển nông lâm nghiệp vẫn là hướng đi chính trong phát triển kinh của toàn huyện, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới...
Vì vậy trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Võ Nhai xác định phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, gắn sản phẩm chủ lực và thế mạnh của huyện với vùng sản xuất tập trung có lợi thế cạnh tranh cao; sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp theo hướng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng gắn với thị trường tiêu thụ.
Huyện phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 5,5%, giá trị sản phẩm trên đất trồng trọt đạt 88,5 triệu đồng trở lên/ha.
Đối với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thế mạnh huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích lúa chất lượng cao, đặc sản, hữu cơ đạt trên 2.400 ha, tổng diện tích thâm canh, sản xuất chè hơn 1.400 ha, diện tích sản xuất cây ăn quả tập trung trên 1.500 ha, diện tích trồng rừng gỗ lớn hơn 1.000 ha...
Cụ thể hóa các mục tiêu này, Võ Nhai đang tích cực xây dựng, triển khai nhiều dự án liên quan đến nông nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025. Cụ thể gồm: Dự án phát triển cây na đặc sản huyện Võ Nhai và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; Dự án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tại các xã phía Bắc huyện Võ Nhai; Dự án phát triển chè theo hướng nâng cao giá trị kết hợp với du lịch cộng đồng huyện Võ Nhai; Dự án bảo tồn các giống lúa đặc sản của địa phương kết hợp với sản xuất lúa chất lượng cao, hữu cơ tại các xã sản xuất lúa tập trung; Dự án trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn kết hợp cấp chứng chỉ rừng...
Huyện cũng chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP trên địa bàn với mục tiêu trong giai đoạn này có 13 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP. Huyện đảm bảo nguồn vốn phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực từ lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp hàng năm của Trung ương, tỉnh, huyện, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nguồn vốn ngân sách của huyện chủ yếu được sử dụng để xây dựng các mô hình gắn với vùng sản xuất tập trung, các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của Võ Nhai; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chứng nhận và quảng bá sản phẩm.
Hoàng Thảo Nguyên