Ông Hồ Trường Sinh làm giàu từ phát triển kinh tế rừng

Ông Hồ Trường Sinh làm giàu từ phát triển kinh tế rừng
Ông Sinh đang chăm sóc cây cối trên các quả đồi. Nguồn ảnh: cand.com.vn
Ông Sinh đang chăm sóc cây cối trên các quả đồi. Nguồn ảnh: cand.com.vn

Với bản tính cần cù, chịu khó, ông Sinh cùng gia đình đã biến những quả đồi cằn cỗi ở xã miền núi Trà Giang, huyện Bắc Trà My, thành những cánh rừng keo bạt ngàn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông Hồ Trường Sinh còn là một người giàu tình cảm khi sẵn sàng nhận nuôi người già neo đơn và trẻ em mồ côi tại địa phương.

Thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My có 98 hộ dân với 154 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào Cor. Những năm qua, cuộc sống của bà con vùng cao nơi đây trở lên no ấm, ổn định nhờ phát triển kinh tế rừng. Mỗi hộ gia đình ở thôn 3 đều có ít nhất vài héc-ta đến cả chục héc-ta diện tích trồng keo. Hằng năm, vào mùa thu hoạch cũng cho thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Người có diện tích trồng keo lớn nhất ở đây chính là gia đình ông Hồ Trường Sinh. Ngôi nhà khang trang nằm ở giữa thôn 3 là thành quả của những năm tháng miệt mài lao động, gắn bó phát triển kinh tế rừng của gia đình ông Sinh.

Cách đây gần 20 năm, gia đình ông Sinh thuộc diện hộ nghèo của xã Trà Giang. Đất đồi ở xã Trà Giang rộng lớn nhưng bạc màu, nhiều sỏi đá, rất khó cải tạo để trồng cây lương thực, vì vậy dù có quanh năm gắn bó với nương rẫy, gia đình ông Sinh vẫn không đủ ăn. “Bén duyên” với cây keo từ Dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng của Chính phủ vào đầu những năm 2000 nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông Sinh đã tích lũy được nhiều kiến thức trồng, chăm sóc cây keo cũng như thấy được tiềm năng của loại cây này trên những vùng đất đồi khô cằn. Tuy nhiên, vào thời điểm đó do chưa có nhà máy chế biến dăm keo nên cây keo đến tuổi thu hoạch không có đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh.

Năm 2005, khi nhiều nhà máy chế biến dăm keo đi vào hoạt động, giúp giá thu mua keo nguyên liệu tăng dần, gia đình ông Hồ Trường Sinh đã quyết định vay ngân hàng 50 triệu đồng để trồng mới 5 héc-ta keo. Sau 6 năm chăm sóc, không phụ lòng người, những đồi keo của gia đình ông Sinh cho sản lượng lớn gỗ thu hoạch. Sau khi trừ chi phí và trả nợ ngân hàng, ông Sinh tiếp tục trồng gối vụ và khai hoang mở rộng diện tích trồng keo, hiện lên tới 25 héc-ta. Ngoài ra, gia đình ông Sinh còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như sắn, dứa, kết hợp chăn nuôi gà, lợn rừng, bò để thực hiện phương châm làm kinh tế lấy ngắn nuôi dài. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông Sinh từ phát triển kinh tế rừng đạt hơn 400 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

Hai năm trở lại đây, gia đình ông Sinh còn chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ khi đầu tư 1 chiếc xe ô tô tải trị giá hơn 600 triệu đồng để chở thuê keo khai thác về các nhà máy, mua 2 xe ô tô con làm dịch vụ du lịch, đám cưới, kết hợp với làm cỗ, nấu ăn phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn xã.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hồ Trường Sinh còn được người dân địa phương yêu quý, nể trọng khi nhận nuôi một người già neo đơn và một em nhỏ mồ côi ngay ở trong thôn. Đó là bà Huỳnh Thị Dế, 90 tuổi, không nơi nương tựa, đã được gia đình ông Sinh cưu mang từ cách đây 20 năm. Em Hồ Thị Bé, mồ côi cha mẹ khi mới 4 tuổi, cũng được gia đình ông Sinh nhận về làm con nuôi.

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang Đoàn Ngọc Minh cho biết: Ông Hồ Trường Sinh là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về phát triển kinh tế rừng. Hằng năm, vào vụ trồng rừng mới, gia đình nào trong thôn có hoàn cảnh khó khăn đều được ông Sinh hỗ trợ về nguồn cây giống. Học tập kinh nghiệm làm kinh tế của ông Sinh, nhiều thanh niên ở xã Trà Giang đã lập nghiệp thành công từ mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Với vai trò là người uy tín trong đồng bào người Cor, ông Sinh đã vận động bà con trong thôn cam kết không xâm phạm tới diện tích rừng tự nhiên; xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, xây dựng thôn 3 nhiều năm liền đạt thôn văn hóa.
Đỗ Trưởng

Có thể bạn quan tâm