Chị Nguyễn Thị Chiếm huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) thu hoạch cam tại trang trại của gia đình. Ảnh: TTXVN |
Về Lục Ngạn dịp này, đâu đâu cũng thấy màu vàng của những vườn cam, bưởi trĩu quả. Nhanh tay dán tem lên những trái bưởi vừa thu hoạch để kịp thương lái đến thu mua, bà Trần Thị Phin, thôn Trường Sinh, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn chia sẻ, gia đình bà là một trong những hộ đưa cây cam, bưởi về trồng sớm nhất. Với diện tích 2 mẫu chủ yếu trồng cam đường canh, bưởi diễn, bưởi da xanh, trung bình mỗi năm gia đình thu được từ 7-9 tấn quả, thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng. Từ năm 2017 trở lại đây, được sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, toàn bộ diện tích cam, bưởi của gia đình được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình sản xuất được tuân thủ với sổ ghi chép theo dõi hàng ngày về từng đợt bón phân, phun thuốc trừ sâu. Các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sử dụng đều phải nằm trong danh mục cho phép. Để thuận tiện cho việc trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ nông sản, năm 2017 các hộ gia đình ở xã Tân Quang đã liên kết thành lập Hợp tác xã cây ăn quả Lục Ngạn. Đến nay, hợp tác xã có 22 thành viên, tổng diện tích trồng cam, bưởi khoảng 50 ha. Toàn bộ diện tích cây có múi của hợp tác xã đều được sản xuất theo hướng VietGAP và đã có 20 ha cam đã được công nhận đạt tiêu chuẩn này năm 2018. Ông Trần Đăng Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hiện sản phẩm cây có múi vẫn được thương lái đến tận vườn thu mua. Mục tiêu của hợp tác xã là tăng diện tích sản xuất theo hướng sạch, đáp ứng yêu cầu đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cao hơn nữa là xuất khẩu. Vì vậy, các thành viên trong hợp tác xã đều rất chú trọng và tuân thủ quy trình sản xuất sạch. Nhận thấy hiệu quả, không chỉ các hộ gia đình trong Hợp tác xã cây ăn quả Lục Ngạn mà nhiều hộ gia đình ở các xã Thanh Hải, Quý Sơn, Đồng Cốc… cũng đã mở rộng diện tích sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi với mô hình này, chất lượng, mẫu mã quả đều được nâng lên nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho cả người dùng và người sản xuất. Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm 2019, diện tích cây có múi của địa phương khoảng 6.700 ha, tổng sản lượng ước đạt 58.000 tấn, tăng khoảng 5.000 tấn so với năm 2018. Hướng đến việc phát triển bền vững cây có múi, huyện đã áp dụng đồng bộ các giải pháp. Đó là tổ chức điều tra nghiên cứu, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả; trong đó có sản phẩm cây có múi, đồng thời khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích ra khỏi những khu vực tiềm năng thế mạnh. Ngành chuyên môn cũng đưa ra giải pháp kỹ thuật như sử dụng phân bón hữu cơ và vi sinh để sản xuất an toàn, bền vững. Đặc biệt, huyện chỉ đạo tập trung sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất sạch; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP tiến tới GlobalGAP. Trong 3 năm trở lại đây, diện tích cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP tăng lên đáng kể. Đến nay, toàn huyện đã có 1.800 ha cây có múi được sản xuất theo quy trình này, tăng hơn năm trước 500 ha. Các giống cam trồng ở Lục Ngạn hiện nay như cam đường, cam lòng vàng có hình thức không đồng đều, dễ nhiễm bệnh, nhiều hạt… nên không phù hợp cho xuất khẩu. Vì vậy, huyện Lục Ngạn đang tiến hành xây dựng mô hình trồng thử nghiệm 15 ha tại các xã Phượng Sơn và Biên Sơn bằng các giống cam mới như BH, CT36 của Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam. Hai giống cam này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống cam khác như: ít hạt; kháng được bệnh nhện đỏ, vàng lá chè; năng suất cao... Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn cho biết, hướng phát triển cây có múi là nâng dần diện tích sản xuất theo hướng an toàn, tiến tới 100% diện tích cây có múi được sản xuất đầy đủ theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Huyện cũng đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây cam và bưởi Lục Ngạn. Huyện xác định, chỉ khi sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được các yêu cầu, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc thì người tiêu dùng mới yên tâm sử dụng. Từ đó, liên kết với doanh nghiệp tìm các thị trường xuất khẩu để mở rộng thị trường tiêu thụ. Mấy năm gần đây sản phẩm cây có múi của Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, tuy nhiên số lượng chưa lớn, đầu ra chưa ổn định. Do đó, sản xuất cây có múi bền vững, hướng đến xuất khẩu là định hướng của Lục Ngạn trong năm 2019 và các năm tiếp theo - ông Hoàn chia sẻ. Để tạo điều kiện cho nhân dân tiêu thụ sản phẩm cây có múi, những năm gần đây, Lục Ngạn đều đặn tổ chức Ngày hội và Hội chợ cây có múi nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung ứng các loại trái cây chất lượng cao như: cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh; đồng thời, kết nối giữa “4 nhà” trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Dự kiến năm nay hội chợ trái cây huyện Lục Ngạn sẽ được tổ chức trong 3 ngày, bắt đầu khai mạc từ ngày 29/11 và kết thúc vào ngày 1/12.
Đồng Thúy