Hướng đi mới cho cây bưởi đặc sản

Nhiều diện tích đất nông nghiệp được cải tạo để chuyên canh cây ăn quả đặc quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Nhiều diện tích đất nông nghiệp được cải tạo để chuyên canh cây ăn quả đặc quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có khoảng 4.300 ha bưởi các loại; trong đó, có khoảng 2.700ha diện tích bưởi đã và đang cho thu hoạch. Để khai thác lợi thế thổ nhưỡng đất ở từng vùng, từng địa phương, những năm gần đây ngoài những diện tích bưởi đặc sản Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng loạt trồng giống bưởi diễn nhằm phát triển cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực. Đồng thời, hình thành vùng cây ăn quả, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, cải tạo các vườn bưởi già cỗi, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tiếp tục xây dựng thương hiệu… để mở hướng đi mới cho cây trồng này.

Hướng đi mới cho cây bưởi đặc sản ảnh 1Nhiều diện tích đất nông nghiệp được cải tạo để chuyên canh cây ăn quả đặc quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Hiệu quả rõ nét

Thanh Thủy là một trong những huyện triển khai trồng bưởi diễn với quy mô khá lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Xác định là cây trồng mũi nhọn, những năm gầy đây, Thanh Thủy đã thực hiện quy hoạch, phát triển cây ăn quả thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều gia đình đã chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng cây bưởi có giá trị cao

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy, năm 2015, toàn huyện chỉ có hơn 150 ha diện tích trồng bưởi thì đến nay diện tích trồng bưởi của huyện đã lên đến gần 300 ha nhờ hiệu quả đem lại từ cây bưởi. Do đó, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc theo đúng quy trình để đảm bảo chất lượng cây trồng. Huyện phấn đấu đến hết năm 2020, diện tích trồng bưởi toàn huyện đạt 380 ha, năng suất đạt khoảng 135 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 1.530 tấn, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Trọng Luyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy cho biết, để nâng cao hiệu quả và năng suất cây bưởi, huyện sẽ quy hoạch, hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, chủ yếu là cây bưởi với quy mô diện tích 135ha tại các xã Trung Nghĩa, Sơn Thủy, Phượng Mao, Tu Vũ, xây dựng các mô hình điểm về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới ở một số vùng đất. Từ đó, tránh tình trạng trồng ồ ạt gây ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.

Xã Trung Nghĩa là một trong những xã có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển cây ăn quả, nhất là cây bưởi của huyện Thanh Thủy. Năm 2017, toàn xã có gần 40ha bưởi, đến năm 2019 diện tích bưởi của xã đã tăng lên gần gấp đôi; trong đó có tới 70% diện tích là bưởi Diễn.

Coi cây bưởi là loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xã Trung Nghĩa sẽ tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ở xã Trung Nghĩa đã có một số hộ dân thành công trong việc liên kết sản xuất thực phẩm sạch, chất lượng cao, đem lại thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Còn tại huyện Đoan Hùng, bưởi được xác định là cây trồng chủ lực với sản lượng bưởi quả năm 2019 ước đạt 20.000 tấn, tăng 25% so với năm 2018, giá trị sản phẩm ước đạt trên 300 tỷ đồng. Tổng diện tích bưởi hiện có trên địa bàn huyện đạt trên 2.450ha; trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.600ha.

Thời gian qua, huyện đã xây dựng một số mô hình đầu tư, thâm canh, hỗ trợ bao bì, tem điện tử truy xuất nguồn gốc, thí điểm ký kết tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019, sản phẩm bưởi đặc sản tiếp tục được vinh danh là một trong 75 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao song việc nâng cao giá trị kinh tế từ cây trồng này còn khó khăn do khâu liên kết sản xuất còn yếu, kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng cho biết, huyện khuyến khích nông dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bưởi để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiêu thụ gắn với vùng sản xuất theo hướng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm bưởi tại các hội chợ, củng cố, tiếp tục phát triển các điểm, các kênh phân phối chính thức và uy tín như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị…

“So sánh với các cây trồng khác, 1ha bưởi thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa, gấp 20 lần cây lâm nghiệp, gấp 5 lần cây chè…” Ông Minh chia sẻ.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Năm 2016, tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch 5023/KH-UBND ngày 03/11/2016 về việc phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng và bưởi diễn giai đoạn 2016 – 2020. Chính sách thiết thực này đã đi vào cuộc sống, được chính quyền và nhân dân đồng tình thực hiện, diện tích bưởi ngày một mở rộng, nhiều mô hình mới được chuyển giao, tạo việc làm cho khá nhiều lao động; đồng thời đã phát huy tốt hiệu quả sử dụng đất và các thế mạnh của mỗi địa phương.

Thông qua đó, bưởi đặc sản Đoan Hùng đã không ngừng được mở rộng diện tích, người dân ý thức hơn trách nhiệm về giá trị nông sản quý của quê hương.

Hết năm 2019, tổng diện tích bưởi của Phú Thọ đạt gần 4.300ha; trong đó, có gần 1.450ha bưởi đặc sản Đoan Hùng, hơn 2.620ha bưởi Diễn. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, người dân đã chủ động trồng thử nghiệm các loại bưởi khác như bưởi Xuân Vân, bưởi da xanh, bưởi đỏ,... Năm 2019, tổng sản lượng bưởi toàn tỉnh ước đạt 31.740 tấn; trong đó bưởi Đoan Hùng 13.530 tấn, bưởi Diễn 16.800 tấn.

Xác định bưởi là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, xây dựng các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, chính sách hỗ trợ để phát triển. Từ năm 2016 đến nay, trên 20 tỷ đồng được huy động hỗ trợ cho phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn trên địa bàn tỉnh từ các nguồn kinh phí khác nhau.

Tuy đạt được kết quả quan trọng song việc phát triển cây bưởi trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế khiến hiệu quả chưa xứng với tiềm năng. Trước hết, sản xuất bưởi chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, diện tích vùng trồng tập trung thấp. Tư tưởng một số bộ phận nông dân còn mang tính tiểu nông, chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa, xây dựng và phát triển thương hiệu. Diện tích trồng mới chủ yếu vẫn còn ở quy mô nông hộ, thiếu những mô hình sản xuất lớn có tính liên kết giữa các hộ trồng bưởi trong sản xuất và kinh doanh. Mức độ đầu tư cho cây bưởi chưa đúng mức so với cả chu trình phát triển của cây, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chưa đồng bộ…

Bên cạnh đó, nhiều diện tích chưa triệt để áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến theo hướng dẫn nên ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ sinh trưởng của diện tích bưởi mới trồng. Đây là nguyên nhân khiến mẫu mã bưởi còn nhiều điểm hạn chế, chất lượng quả không đồng đều làm giảm giá trị thương mại, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh bưởi quả. Cùng với đó, phát triển sản xuất - tiêu thụ theo hình thức liên kết chuỗi còn chậm, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái không có hợp đồng chặt chẽ, phát triển theo hướng trang trại chưa nhiều…

Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Phú Thọ cho biết, phát triển cây bưởi thành vùng hàng hóa lớn, sản xuất gắn với chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu.

Việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem điện tử, hình thành các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín là những nhân tố để tạo dựng thương hiệu sản phẩm bưởi, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm bưởi trên địa bàn tỉnh. Qua đây sẽ nâng cao ý thức của người dân trong quá trình sản xuất, hình thành kênh phân phối đảm bảo chất lượng, đặc biệt là mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo vệ, phát triển bền vững thương hiệu bưởi Phú Thọ.

Tạ Văn Toàn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm