Phát huy thế mạnh địa phương, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái làng nghề. Bước chuyển mình này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững…
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Nam, sau khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019, Hồng Vân đã tập trung phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp kết hợp du lịch làng nghề sinh vật cảnh. Xã có 21 tuyến đường chính thì mỗi tuyến đường được trồng một loài hoa, tên đường được đặt theo tên các loài hoa đó như: đường Hoàng yến, đường Bằng lăng, đường Hoa ban, đường Phượng vĩ… Khách đến xã tham quan mùa nào cũng được ngắm vẻ đẹp của các loài hoa. Bên cạnh đó, xã còn quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nền tảng để thu hút du lịch. Các công trình văn hóa, di tích lịch sử trong xã được trùng tu, nâng cấp. Chính quyền xã Hồng Vân chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng sản phẩm du lịch, từ nông sản, hoa cây cảnh đến dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, làng nghề; tổ chức thực hiện tốt các phong trào như: Xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, Người Hồng Vân thân thiện - mến khách.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng cho biết, bên cạnh phát triển nghề sinh vật cảnh theo hướng bền vững, xã Hồng Vân còn chú trọng xây dựng gần 20 mô hình du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ trải nghiệm gắn với du lịch xanh, du lịch nông nghiệp với mục tiêu trở thành một “vùng quê đáng sống”. Hằng năm, lượng du khách đến tham quan xã Hồng Vân đạt từ 15.000 - 20.000 lượt người, giúp duy trì và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng; bình quân đạt 72 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ gia đình trong xã đã tận dụng khoảng sân, vườn rộng của mình để trồng và trưng bày các loại cây cảnh, sắp xếp đẹp mắt để thu hút khách tham quan.
Đến xã Hồng Vân hôm nay, du khách được chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo cũng như được giao lưu, trò chuyện cùng các nghệ nhân trẻ tuổi tại làng nghề. Ngoài ra, du khách còn được tham gia trải nghiệm "một ngày làm nghệ nhân", có thể tự tay tạo tác, cắt, tỉa, tạo dáng và đặt tên cho những sản phẩm cây cảnh do mình sáng tạo ra hoặc ung dung thả bộ trên những con đường quê, thưởng ngoạn cảnh sắc xinh tươi và hòa mình với nhịp sống yên ả nơi bờ đê sông Hồng.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng thông tin, khách du lịch đến xã thích nhất là môi trường trong lành; vườn cây, vườn hoa được thâm canh theo hướng an toàn, hữu cơ; được ăn, ở, trải nghiệm trong không gian xanh của nông thôn. Việc phát triển du lịch sinh thái - làng nghề trong xã đã mở ra một hướng đi mới, đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con nông dân từ dịch vụ du lịch chứ không phải là từ nông sản. Thời gian tới đây, xã Hồng Vân sẽ tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền để người dân phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái hấp dẫn, giúp du khách có thể cảm nhận được nét riêng của một điểm du lịch sinh thái nằm ở phía Nam Thủ đô, nơi hội tụ đầy đủ những nét đẹp thuần khiết, yên bình của một làng quê ven đô với đặc trưng của nền nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng