Sáng 6/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương đã đi thăm một số mô hình nông thôn mới tại các huyện Đông Anh và Thường Tín (Hà Nội). Cùng đi có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại; Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí.
Tại xã Đông Hội (huyện Đông Anh), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh thông tin về một số kết quả trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 100% số xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2016, Đông Anh được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là tiền đề quan trọng để Đông Anh phấn đấu xây dựng các xã, thị trấn thành phường, đưa huyện sớm trở thành quận từ nay đến năm 2025.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Đông Anh. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, huyện Đông Anh cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực, tiến tới nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với định hướng phát triển đô thị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đặc biệt ấn tượng với diện mạo mới của xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) - địa phương nằm ven đô và đang định hướng xây dựng lên phường.
Tại huyện Thường Tín, đoàn đã tham quan thực tế tại Điểm du lịch sinh thái làng nghề xã Hồng Vân. Đây là xã đầu tiên của Thường Tín được Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2018, xã được công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy đã báo cáo tóm tắt kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện. Sau 10 năm thực hiện chương trình, diện mạo nông thôn nơi đây có sự đổi thay rõ rệt, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. 100% làng có nhà văn hóa, 100% tuyến đường giao thông nông thôn, đường trục chính nội đồng được trải nhựa, đổ bê tông, hộ nghèo từ 12,5% giảm xuống còn 0,56%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 54 triệu đồng/người/năm, gấp 4 lần so với năm 2010. Hiện nay, Thường Tín có 28/28 xã nông thôn mới, trong đó 01 xã nông thôn mới nâng cao. Đối với huyện nông thôn mới đạt 9/9 tiêu chí, qua lấy ý kiến sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt 99,37%.
Hồng Vân là xã đầu tiên của huyện Thường Tín được Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và là xã có 1 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận 4 sao, có 2 làng nghề truyền thống sinh vật cảnh.
Tại buổi làm việc với huyện Thường Tín, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện. Ông cho rằng, các buổi khảo sát thực tế sẽ giúp đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng được các bộ khung tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ông đề nghị huyện Thường Tín phát huy lợi thế đất trăm nghề, cần định hướng xây dựng Thường Tín trở thành huyện kiểu mẫu làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch dịch vụ, nâng cao hơn nữa mức thu nhập của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, cần xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa…
Thực hiện: Hoàng My