Hơn 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Đắk Lắk

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tặng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bức trướng với nội dung “Thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tặng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bức trướng với nội dung “Thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Sáng 20/9, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ.

Hơn 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Đắk Lắk ảnh 1Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Tại hội nghị, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tử Ân cho biết, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ triển khai tại tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách luôn ổn định, đạt bình quân trên 10%/năm. Quy mô tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tăng gần 60 lần (từ 102 tỷ đồng năm 2002 lên đến hơn 6.172 tỷ đồng). Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 363 tỷ đồng tăng 341 tỷ đồng (gấp 15,5 lần so với thời điểm mới thành lập) và tăng 243 tỷ đồng so với thời điểm bắt đầu thực hiện. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao với dư nợ 64 tỷ đồng, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã mở rộng, triển khai hơn 18 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt trên 6.153 tỷ đồng (tăng gấp 94 lần so với năm 2002). Hiện có trên 160 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Trong đó, dư nợ của hộ là người dân tộc thiểu số đạt 2.263 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng dư nợ.

Trong 20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ nói chung và hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nói riêng đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ngày càng tăng. Đến nay, Đắk Lắk có trên 803.186 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn; 87.509 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập và trang trải các chi phí để đến trường; thu hút, tạo việc làm cho 37.840 lao động; xây dựng 139.491 công trình nước sạch và 135.641 công trình vệ sinh môi trường theo chuẩn quốc gia; xây 19.437 căn nhà cho hộ nghèo không có nhà ở; 1.616 lao động được vay vốn xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…

Hơn 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Đắk Lắk ảnh 2Quang cảnh tại hội nghị. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Từ đây, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 264 ngàn hộ dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2005-2010 từ 27% xuống còn 10%; giai đoạn 2011-2015 từ 20,8% xuống còn 6%; giai đoạn 2016-2020 giảm từ 19,39% còn 6,34% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020).

Ông Nguyễn Minh Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, đề nghị các tổ chức cần thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TWcủa Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh củng cố, nâng cao chất lượng, năng lực đối với đội ngũ cán bộ tín dụng và hoạt động tín dụng; không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận tín dụng chính sách xã hội…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhận định, trong 20 năm đưa Nghị định số 78/2002/NĐ-CP vào thực tiễn đã góp phần thay đổi cả về chất và lượng, cuộc sống của nhân dân, nhất là giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước vươn lên. Nguồn vốn cho vay đã thực sự góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực, có giải pháp phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Hơn 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Đắk Lắk ảnh 3Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tặng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bức trướng với nội dung “Thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho 21 tập thể, 29 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có 6 tập thể và 35 cá nhân được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng Giấy khen.

Đắk Lắk có hơn 1,9 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn với 49 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tỷ lệ hộ nghèo là 12,8% (tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 65,2% với 41.515 hộ nghèo).

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm