Sau 20 năm phát triển, đặc biệt Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã trở thành cầu nối giúp người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tiến tới làm giàu chính đáng.
Việc này góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đồng hành cùng người nghèo
Cùng với nguồn vốn chính sách Trung ương cấp và ngân sách địa phương ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội Hòa Bình đã chuyển kịp thời về khắp các điểm giao dịch phường, xã, đến từng hộ nghèo vùng sâu vùng xa, từng đối tượng chính sách ở khắp địa bàn trong tỉnh để họ đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống, góp phần thực hiện thành công Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh Hòa Bình.
Năm 2020, gia đình ông Bàn Văn Toàn, xóm Tằm, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc duyệt vay 40 triệu đồng để đầu tư chuồng trại theo mô hình đàn trâu và đến nay tổng số đàn trâu nhà ông đã lên tới gần 20 con.
Từ nguồn vốn vay chính sách gia đình đã đầu tư làm chuồng nuôi và mua trâu giống để phát triển kinh tế gia đình. Trâu thương phẩm trung bình mỗi con cho lãi khoảng 4-5 triệu đồng. Đối với trâu nuôi để sinh sản, gia đình thực hiện cả chăn thả tự nhiên, tính trung bình mỗi con trâu nghé khoảng 6 tháng tuổi có giá bán từ 12-13 triệu đồng/con.
"Từ khi được vay vốn chính sách, đến nay, đời sống của gia đình tôi đã bớt vất vả hơn. Từ đó, gia đình có điều kiện về vốn để phát triển chăn nuôi gia súc, xây dựng các mô hình kinh tế vườn áo chuồng trại, đảm bảo điều kiện cho các cháu ăn học", ông Bàn Văn Toàn chia sẻ.
Nhiều gia đình đã sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển đổi sản xuất các mô hình chăn nuôi, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình anh Xa Văn Huy (xã Hiền Lương). Từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách huyện Đà Bắc, anh Huy đầu tư mở rộng quy mô hệ thống lồng bè với hơn 40 lồng cá nuôi các loại cá đặc sản như cá ngạnh, cá lăng, cá chiên và cá trắm đen... đến nay doanh thu đạt hơn 500 triệu đồng/năm.
Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ phủ khắp các phường, xã làm đòn bẩy giúp hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn trực tiếp chung tay góp sức thực hiện hiệu quả thiết thực nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo.
Trong thời kỳ khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã thực hiện giải ngân giúp 12 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được vay vốn để trả lương cho 549 người lao động bị ngừng việc do dịch COVID-19; mua 1.009 máy tính phục vụ học tập trực tuyến và hỗ trợ 14 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vay vốn để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19.
Ông Trần Quang Phú - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giầy Hồng An (huyện Lương Sơn) chia sẻ: Có thời điểm 50% lượng công nhân của Công ty cổ phần Giầy Hồng An phải ngừng làm việc, phần vì dịch bệnh căng thẳng, phần vì nguồn cung toàn cầu bị đứt gãy khiến cả doanh nghiệp và người lao động đều rất khó khăn.
Tuy nhiên, sau khi vay được nguồn vốn chính sách ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lương Sơn, đã giúp công ty trả lương cho công nhân, giữ chân lao động, ổn định sản xuất.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã có trên 644 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần tạo việc làm cho trên 32 nghìn lao động; giúp hộ nghèo xây dựng 21 nghìn ngôi nhà, xây dựng trên 182 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh cho hộ gia đình ở khu vực nông thôn; giúp gần 1,1 nghìn lao động là con hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Cùng với đó, tỉnh có gần 40 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, sửa chữa và mua 466 căn nhà ở xã hội; hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho trên 11 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Đổi mới quy trình, thủ tục
Khi tiếp nhận số tài sản từ Nhà nước, từ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội Hòa Bình đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội theo các nguyên tắc như: bình xét dân chủ, công khai; vốn giải ngân trực tiếp đến người vay tại trụ sở UBND cấp xã, thông qua các phiên giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại điểm giao dịch xã.
Điều này đã huy động được sức mạnh của cộng đồng, toàn xã hội, giúp việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, hiệu quả. Việc cho vay vốn qua tổ tiết kiệm và vay vốn làm tăng sự đoàn kết, đùm bọc, tình làng, nghĩa xóm; giúp hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.
Ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình chia sẻ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối, đồng thời đổi mới quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã tổ chức tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, từ ngân sách địa phương và huy động từ các tổ chức cá nhân. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng nguồn vốn đến 31/08/2022 đạt 4.087.496 triệu đồng, tăng gần 20 lần so với năm 2003.
Hàng năm, UBND tỉnh Hòa Bình, các cấp huyện đều quan tâm dành một phần từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh 20 năm qua. Nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp huy động tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động chính sách tín dụng…
Đến thời điểm 31/08/2022, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 93.008 triệu đồng, tăng 87.008 triệu đồng so với 31/12/2014. Nhờ vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội Hòa Bình triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ vay phát triển sản xuất với đồng bào dân tộc thiểu số hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận, sử dụng các khoản vay ưu đã để phát triển sản xuất và thoát nghèo.
Trọng Đạt