Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi đang là hướng đi mang lại nhiều giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại huyện Lạc Thủy. Từ những tư duy mới, sáng tạo áp dụng hiệu quả vào chăn nuôi, những nông dân chân lấm, tay bùn, nghèo khó của huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã từng bước có nhiều đột phá, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Họ trở thành tấm gương sáng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình.
Tỷ phú nuôi gà Lạc Thủy
Anh Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành. Từ mô hình chăn nuôi gà Lạc Thủy theo quy mô hộ gia đình, anh Tuấn đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện liên kết với trên 100 hộ vệ tinh chăn nuôi gà trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 100 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 5 tỷ đồng. Cùng với đó, hợp tác xã giải quyết việc làm cho khoảng từ 40 - 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Anh Trịnh Văn Tuấn chia sẻ, trước kia gia đình anh nuôi gà Lạc Thủy quy mô chỉ vài trăm con, chuồng trại không được đầu tư nên gà thường xuyên bị mắc bệnh. Có những lứa gà bị thất bại, sau nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi các kiến thức về cách chăm sóc, chăn nuôi giống gà của quê hương, anh đã quyết tâm vay mượn vốn để xây dựng chuồng trại, đầu tư mua máy ấp trứng hiện đại theo công nghệ Nhật Bản.
Bằng hình thức cung cấp giống và bao tiêu trứng và gà thịt, cơ sở ấp gà giống của gia đình anh Trịnh Văn Tuấn đã liên kết với các hộ vệ tinh trong xã và mở rộng ra cả huyện, từng bước xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất cho tới tiêu thụ với quy mô lớn, đặt mục tiêu làm giàu từ con gà Lạc Thủy.
Đến năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền được thành lập với 7 thành viên. Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền thực hiện cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, các hộ vệ tinh cũng phải cam kết chăn nuôi theo đúng kỹ thuật chăn nuôi của hợp tác xã đã tập huấn.
Hiện, gà giống và gà thương phẩm của hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Phú Quốc...
Với 36 máy ấp trứng hiện đại công nghệ Nhật Bản, trung bình 1 tuần cung cấp ra thị trường từ 8 - 10 vạn con gà giống. Toàn bộ quá trình ấp trứng được tự động, không phải đảo bằng tay, tỷ lệ nở đúng ngày đạt cao. Ngay sau khi ra lò gà được tách riêng gà trống và gà mái, loại những con gà không đảm bảo tiêu chuẩn và tiêm phòng vaccine. Gà giống được bán với giá 11.000 đồng/con.
Cùng với cung ứng gà giống, hợp tác xã còn là địa chỉ cung cấp gà thương phẩm nổi tiếng cả nước. Hiện, hợp tác xã có 4 cửa hàng cung cấp gà thương phẩm tại Hà Nội, 2 cửa hàng tại thành phố Hạ Long và 1 cửa hàng tại Lào Cai. Trung bình mỗi cửa hàng tiêu thụ khoảng 2 tấn gà/ngày. Giá bán đối với gà hơi là 130.000 đồng/kg, gà đã sơ chế sạch 165.000 đồng/kg. Ngoài ra, gà thương phẩm của hợp tác xã còn được tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Sói Biển ở Hà Nội.
Từ sự mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết để chăn nuôi, Hợp tác xã dịch vụ Tuấn Chuyền tạo dựng thương hiệu, tạo được niềm tin với các đối tác. Năm 2021 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền cùng các hộ vệ tinh vẫn duy trì ổn định tổng đàn và giá bán ổn định. Năm 2021, doanh thu của Hợp tác xã dịch vụ Tuấn Chuyền đạt 100 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng. Doanh thu của các hộ vệ tinh đạt khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Lão nông vượt dịch tả lợn châu Phi
Vượt qua cơn bão giá lợn năm 2017 và dịch tả lợn châu Phi suốt mấy năm qua, giờ đây, ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành vẫn giữ gìn thành công trang trại lợn "khủng" với quy mô 250 con lợn nái, 2.000 con lợn thương phẩm. Ông Lành được người dân Lạc Thủy xem như "người hùng" trong phát triển kinh tế trang trại.
Ông Lành chia sẻ, trước năm 2003, gia đình ông thuộc hộ nghèo trong thôn, kinh tế của gia đình trông chờ vào cây lúa, cây khoai. Cuộc sống vất vả lo ăn từng bữa. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cấp, các ngành của tỉnh, của huyện tổ chức ông đã mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng để mua 1ha đất trồng cây lâu năm và trồng keo nhưng sau đó tiếp tục chuyển sang trồng cam lòng vàng và bưởi diễn. Năm 2008, cam và bưởi cho thu hoạch gia đình có vốn để tiếp tục đầu tư nuôi gà bản địa.
Năm 2014, sau khi được đi thăm quan học tập các mô hình nuôi lợn, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên ông Lành đã đầu tư xây dựng trại lợn theo mô hình áp dụng công nghệ của Thái Lan với 1 chuồng, quy mô 250 con/lứa. Đến năm 2019 dịch tả lợn châu Phi bùng phát song tôi vẫn quyết tâm bám trụ và thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi từ thức ăn cho đến vệ sinh chuồng trại theo đúng quy định kỹ thuật. Đồng thời xây dựng thêm 6 chuồng lợn với quy mô 250 con lợn lái, 2.000 lợn thương phẩm.
Hiện nay, với tổng diện tích trang trại rộng 6 ha, trong đó có 2 ha trồng trọt để tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ cho khu vực chăn nuôi rộng 4 ha để nuôi lợn và gà. Đối với khu vực chuồng nuôi bao gồm công trình phụ trợ và trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ Thái Lan như xa khu dân cư, chuồng trại sinh sản được bố trí theo mô hình lạnh và kín, được làm mát bằng quạt gió, đảm bảo không khí đối lưu và nhiệt độ luôn ổn định khoảng 27°C. Mặt sàn láng xi măng luôn đảm bảo khô thoáng, các ô chuồng có diện tích hợp lý…
Trang trại có tường bao cách ly với môi trường xung quanh, trước khi vào trang trại người lao động phải sát trùng. Công tác kiểm dịch luôn được chú trọng, rắc vôi bột định kỳ. thêm vào đó tại trang trại luôn có 2 kỹ sư chăn nuôi để giám sát toàn bộ quy trình chăm sóc, lai tạo, phối giống, sử dụng thức ăn…
Với mô hình chăn nuôi khép kín với công nghệ hiện đại, là yếu tố then chốt giúp trang trại lợn của ông Nguyễn Duy Lành vượt qua dịch tả lợn châu Phi. Trung bình mỗi năm trang trại bán ra thị trường khoảng 500 tấn lợn thương phẩm.
Năm 2021, tổng doanh thu của trang trại của ông Nguyễn Duy Lành đạt 32 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ chăn nuôi là 26 tỷ đồng, trồng trọt 6 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 6 tỷ đồng. Cùng với đó từ mô hình sản xuất, kinh doanh của ông Lành tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017, ông Nguyễn Duy Lành vinh dự là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Áp dụng khoa học
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Thủy, ông Ngọ Đình Tâm cho biết, ngành chăn nuôi huyện Lạc Thủy sẽ hướng tới phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường, khuyến khích phát triển chăn nuôi tuần hoàn, theo chuỗi khép kín, chăn nuôi hữu cơ.
Việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tự động vào chăn nuôi, thực hiện truy suất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, nghiêm cấm người nông dân sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn đang là một hướng đi được chính quyền và các cấp huyện Lạc Thủy quan tâm khuyến khích.
Cùng với đó, chính quyền huyện Lạc Thủy cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với các ngành, các đơn vị chức năng để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh thông qua giám sát dịch bênh, tiêm phòng.
Huyện cũng thực hiện xây dựng các vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn tập trung ở các xã trọng điểm, các hợp tác xã, trang trại, gia trại, tiếp tục đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển bán hàng trên sàn thương mại điện tử… Hướng đến đưa ngành chăn nuôi công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế huyện Lạc Thủy trong tương lai.
Trọng Đạt