Hội thảo do Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam và Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (DT&MN) phối hợp tổ chức, là một phần nội dung công việc của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng bộ gõ và bộ font chữ Khmer Unicode trong quy trình in ấn, xuất bản báo in và báo điện tử của TTXVN”, đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp bộ do Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam chủ trì, nhằm đảm bảo bảo tính khách quan, khoa học, ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp đa chiều về các nội dung liên quan đến đề tài từ các cá nhân, cơ quan, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực có liên quan ngôn ngữ Khmer và báo chí ngữ Khmer ở Việt Nam.
|
Quang cảnh hội thảo khoa học “Nghiên cứu ứng dụng bộ gõ và bộ font chữ Khmer Unicode trong quy trình sản xuất báo in và báo điện tử của Thông tấn xã Việt Nam” |
|
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam - Chủ nhiệm đề tài, trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo |
|
Ông Nguyễn Hoàng Hành, Phó Vụ trưởng Vụ Địa Phương III (Ủy ban Dân tộc) trình bày tham luận “Tình hình vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ và thực trạng công tác in ấn, phát hành báo chí ngữ Khmer ở Việt Nam” tại hội thảo |
Thông tin từ hội thảo cho biết, đồng bào dân tộc Khmer hiện có trên 1,3 triệu người, cư trú xen kẽ với các dân tộc khác trên địa bàn Nam Bộ, chủ yếu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với trên 1,2 triệu người, chiếm trên 7% dân số.
Trong đó, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh hai địa phương có số dân Khmer đông, chiếm tỷ lệ trên 30% dân số. Đặc điểm nổi bật trong văn hóa của người Khmer là một trong số các dân tộc thiểu số Việt Nam có ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) riêng, khá hoàn chỉnh với hệ thống ký tự nhiều (trên 150 ký tự nguyên âm, phụ âm, chân phụ âm, dấu ngữ âm, ngữ pháp…) và khá phức tạp.
Thời gian qua, các chính sách về thông tin, tuyên truyền bằng tiếng dân tộc nói chung, tiếng Khmer nói riêng đã được các cấp, ngành khu vực ĐBSCL quan tâm triển khai thực hiện với sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các các cơ quan báo chí, trong đó có báo chí ngữ Khmer.
|
Thạc sĩ Danh Mến, giảng viên Trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ trình bày tham luận “So sánh giữa Font UT và Font Unicode Khmer” tại hội thảo. |
|
Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo |
|
Nhà báo Hàn Ái Tiến, Tổng biên tập báo Bạc Liêu trình bày tham luận “Quá trình hình thành và phát triển, thực tiễn tổ chức sản xuất, xuất bản báo in bằng tiếng Khmer của Báo Bạc Liêu” tại hội thảo |
Sự phát triển của báo chí ngữ Khmer trong thời gian qua đã nhận được sự đón nhận, quan tâm ủng hộ và tin tưởng của cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer trong vùng.
Toàn vùng Nam Bộ hiện có 08 chương trình truyền hình tiếng Khmer, 08 chương trình phát thanh tiếng Khmer và 06 ấn phẩm tiếng Khmer của các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương.
Bên cạnh các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống ở Tây Nam Bộ, các ấn phẩm báo chí ngữ Khmer của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương như Báo ảnh DT&MN của TTXVN và báo Khmer ngữ của các tỉnh, thành trong khu vực như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau... cũng không ngừng cải tiến, nâng cấp, tăng trang, tăng kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của đồng bào.
Một số cơ quan, đơn vị thông tin có phát hành phiên bản trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, báo điện tử tiếng Khmer như: Báo Cần Thơ, Trang thông tin điện tử tổng hợp của Báo ảnh DT&MN, Báo ảnh Việt Nam thuộc TTXVN... cũng thường xuyên nghiên cứu, cải tiến chuyên mục, giao diện và nội dung, trên nền tảng nhiều ngôn ngữ lập trình, bước đầu tương thích với font Khmer Unicode và các trình duyệt thông dụng hiện nay.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo |
|
Nhà báo Huỳnh Văn Thảo, Trưởng đại diện Báo ảnh DT&MN tại TP.HCM giới thiệu quá trình “Làm báo ngữ Khmer tại TTXVN - Hành trình từ Bản tin, ảnh đơn ngữ đến Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ Việt - Khmer” tại hội thảo |
|
Nhà báo Thạch Khên, Phó Tổng biên tập báo Cần Thơ trình bày tham luận “Báo Cần Thơ Khmer ngữ - hình thức tuyên truyền thiết thực” tại hội thảo |
Ngoài ra, trên địa bàn ngày càng có nhiều trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có phiên bản tiếng Khmer của các địa phương, cơ quan, đơn vị như: Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh, Ban Dân tộc thành phố Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh…
Báo ảnh DT&MN là ấn phẩm báo chí song ngữ duy nhất cho tới nay ở Việt Nam được xuất bản bằng các tiếng dân tộc thiểu số có chữ viết được Nhà nước công nhận, phục vụ các đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Hàng tháng, có 12 ấn phẩm báo ảnh song ngữ DT&MN được xuất bản, gồm: Việt-Khmer, Việt-Bhana, Việt-Jrai, Việt-Êđê, Việt-Chăm, Việt-Mông, Việt-K'ho, Việt-M'nông, Việt-Tày, Việt-Xê đăng, Việt-Cơtu và Việt-Hoa với số lượng ấn hành gần 70.000 bản.
Trong số này, tiếng Khmer là ngữ dân tộc thiểu số được tổ chức sản xuất, xuất bản đầu tiên với số lượng ấn hành ở thời điểm hiện nay lên đến gần 17.000 bản/tháng.
|
Các đại biểu trao đổi các vấn đề về cách sử dụng font Khmer Unicode trong giai đoạn hiện nay tại hội thảo |
|
Nhà báo Huỳnh Văn Thảo, Trưởng đại diện Báo ảnh DT&MN tại TP.HCM trao đổi, thảo luận tại hội thảo |
|
Nhà báo Sơn Hùng, Phó Tổng biên tập Báo Trà Vinh trình bày tham luận với chủ đề “Làm báo Trà Vinh chữ Khmer” |
Cùng với ấn phẩm ngữ Khmer và các trang thông tin điện tử tiếng Khmer của các địa phương khác ở khu vực phía Nam, ấn phẩm Báo ảnh DT&MN đã bước đầu chuyển tải sinh động đường lối, chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước đến với đồng bào bằng chính ngôn ngữ của đồng bào với các chuyên trang, chuyên mục ngày một cải tiến, phong phú về nội dung, được đông đảo đồng bào, sư sãi đón nhận, đặc biệt là giới chức sắc tôn giáo, trí thức Khmer đánh giá cao.
|
Nhà báo Lý Thành Hưng, Phó Tổng biên tập báo Sóc Trăng trình bày tham luận “Từ bản tin tuyên huấn đến báo Sóc Trăng chữ Khmer” tại hội thảo |
|
Cử nhân công nghệ thông tin Chau Bunh Khươn, chuyên viên Vụ Địa Phương III (Ủy ban Dân tộc) trình bày tham luận “Kinh nghiệm thực tế trong việc ứng dụng Font chữ Khmer trong hệ thống máy tính” tại hội thảo |
|
Các chuyên gia giới thiệu, trình diễn các loại font chữ Khmer tại hội thảo |
Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, để theo kịp xu thế phát triển, từng bước nâng cao chất lượng dàn trang chế bản, in ấn, xuất bản, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển báo điện tử trên cơ sở ứng dụng bộ gõ và font chữ Khmer Unicode, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền và nhu cầu tiếp nhận thông tin bằng ngôn ngữ dân tộc trong bối cảnh cạnh tranh và bùng nổ thông tin hiện nay, bộ phận thực hiện nội dung tiếng Khmer tại Báo ảnh DT&MN nói riêng và TTXVN nói riêng, cũng như những người làm báo tiếng Khmer ở Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều việc phải làm, cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lựa chọn bộ gõ và font chữ, kỹ thuật trình bày báo in chữ Khmer, chọn ngôn ngữ lập trình tương thích, phù hợp để xây dựng hệ thống quản lý tòa soạn báo điện tử ngữ Khmer… với tâm điểm xoay quanh việc ứng dụng bộ gõ và font chữ Khmer Unicode.
Trên cơ sở bám sát chủ đề hội thảo, hầu hết các ý kiến tham luận tại hội thảo đều đánh giá cao ý nghĩa, sự cần thiết của hội thảo, tính cấp bách và khả năng chuyển giao, ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm đề tài, khi mà những vấn đề đặt ra, thảo luận và đề xuất giải pháp đều là những câu chuyện thời sự tại các đơn vị làm báo tiếng Khmer hiện nay với điểm nhấn xoay quanh thực trạng và giải pháp xử lý vấn đề nhảy chữ, xé chữ, xử lý khoảng trắng (ký tự không được in ra) và canh đều nội dung khi đổ chữ Khmer trên các chương trình dàn trang; cũng như vấn đề lựa chọn ngôn ngữ lập trình phù hợp trong xây dựng trang thông tin điện tử, báo điện tử tiếng Khmer, sao cho độc giả có thể tiếp nhận thông tin ở bất cứ đâu, bằng bất cứ thiết bị đầu cuối nào.
|
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ nhiệm đề tài trao đổi, thảo luận tại hội thảo |
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Hội thảo lần này được đánh giá là cuộc gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ thú vị, bổ ích của những người làm báo tiếng Khmer ở Việt Nam. Báo cáo tổng hợp của Ban tổ chức và tham luận của các tòa soạn báo có xuất bản phẩm tiếng Khmer như báo Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Báo ảnh Đất Mũi và Báo DT&MN của TTTXVN đã bước đầu khái quát được thực trạng, diện mạo báo chí và truyền thông bằng tiếng Khmer ở Nam Bộ.
Các phân tích từ kết quả khảo sát và nghiên cứu bước đầu cho thấy việc ứng dụng fonts chữ Khmer dạng OpenType, cụ thể là font Khmer Unicode trên chương trình InDesign tại Việt Nam là xu hướng tất yếu, đặc biệt thích hợp với các đơn vị báo chí, truyền thông ở Nam Bộ, trong điều kiện đối tượng tiếp nhận thông tin là nhiều cộng đồng ngôn ngữ, bên cạnh tiếng phổ thông.
Ngoài ra, tại hội thảo, nhóm nghiên cứu cũng giới thiệu, đề xuất ngôn ngữ lập trình thông dụng cho hệ thống quản lý tòa soạn (CMS) mã nguồn mở cho web, hỗ trợ tốt tiếng Khmer (Khmer Unicode) với các tính năng vượt trội như: miễn phí, dễ sử dụng, khả năng tuỳ biến cao, hiệu suất cao, hỗ trợ bảo mật và SEO tốt.
|
Cử nhân công nghệ thông tin Chau Bunh Khươn, chuyên viên Vụ Địa Phương III (Ủy ban Dân tộc) giới thiệu các phần mềm hỗ trợ tách chữ, xử lý khoảng trắng (ký tự không được in ra) trong trình bày văn bản tiếng Khmer |
|
Ông Thạch Sê Ha, giảng viên Trường Đại học Trà Vinh trình bày tham luận về “Công cụ biên soạn Bộ Từ điển song ngữ Việt-Khmer, Khmer-Việt và vấn đề ranh giới từ trong tiếng Khmer” tại hội thảo |
|
Giới thiệu bản demo trang web phiên bản tiếng Việt và tiếng Khmer tại hội thảo với ngôn ngữ lập trình hỗ trợ tốt với font chữ Khmer Unicode, phù hợp với các trang web đa ngữ |
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ nhiệm đề tài, nhận định: Ở góc độ nghiên cứu, các tham luận, ý kiến đóng góp và kiến nghị, đề xuất tại hội thảo không chỉ khẳng định sự cần thiết và tính cấp bách trong việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng bộ gõ và bộ font chữ Khmer Unicode trong quy trình in ấn, xuất bản báo in và báo điện tử của TTXVN” do Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam thực hiện; đồng thời, cho thấy các thành viên đề tài đã xác định đúng trọng tâm, trọng điểm của vấn đề đặt ra xoay quanh bộ gõ và bộ font Khmer Unicode, nhất thiết phải tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc được đề cập, hoàn thiện các chuyên đề nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm của đề tài để có thể sẵn sàng chuyển giao cho các cơ quan báo chí, truyền thông có yêu cầu sản xuất các sản phẩm thông tin bằng ngôn ngữ Khmer theo hướng ổn định, bền vững, như nội dung kiến nghị, đề xuất trong hầu hết các tham luận, cũng như ý kiến phát biểu tại hội thảo lần này.
|
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, Chủ nhiệm đề tài phát biểu kết luận hội thảo |
Các kiến nghị, đề xuất đó trùng hợp với mục tiêu của đề tài khi ngay từ đầu, nhóm nghiên cứu xác định các kết quả nghiên cứu và sản phẩm của đề tài được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu giúp các đơn vị làm tiếng Khmer ở các báo địa phương từng bước hoàn thiện quy trình xuất bản ấn phẩm báo in tiếng Khmer, làm tiền đề để chuyển sang phát triển các trang thông tin điện tử, trang web và báo điện tử theo xu hướng toàn cầu hóa và xu thế phát triển của báo chí hiện đại, từng bước cân bằng đối trọng, lấp dần khoảng trống thông tin bằng tiếng Khmer trên không gian mạng với báo chí phi chính thống, báo chí nước ngoài, mạng xã hội…./.