Lễ bàn giao điểm trường mầm non bản Căn Câu 2 diễn ra ngày 19/8/2018 tại chính ngôi trường mới. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN |
Sau hơn 2 tháng thi công gấp rút, ngay trước thềm năm học mới, điểm trường Mầm non tại bản Căn Câu 2 đã hoàn thành. Đây là điểm trường thứ 4 được Hội cựu sinh viên Khóa 39 - Trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện với mong muốn chia sẻ khó khăn với học trò nghèo vùng cao.
Chúng tôi có mặt tại điểm trường Mầm non tại bản Căn Câu 2 khi sương mù vẫn còn lẩn khuất bên sườn núi. Những bài hát vui nhộn, cái bắt tay thật chặt của các cô giáo, ánh mắt trong veo của học sinh người dân tộc Mông, Dao... thể hiện rõ niềm vui trong ngày bàn giao lớp học mới.
Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Sin Suối Hồ Phạm Thị Mỳ cho biết, Trường được thành lập từ năm 2005, ban đầu có 6 lớp, với 120 học sinh, đến nay đã mở rộng thành 19 lớp, với hơn 400 học sinh. Điểm trường Căn Câu 2 hoạt động với hai nhóm lớp, những năm trước, cô và trò phải dạy, học nhờ tại nhà văn hóa bản, một phòng học tạm tại bản Căn Câu 1. Vào mùa mưa, đường thường xuyên bị sạt lở khiến việc đi lại của cô và trò luôn gặp khó khăn. Khi biết tin sẽ nhận được sự trợ giúp từ Hội cựu sinh viên Khóa 39 - Trường Đại học Kinh tế quốc dân để xây điểm trường, đáp ứng nhu cầu cho học sinh, Nhà trường rất phấn khởi. Năm học mới này, 55 học sinh sẽ được sinh hoạt trong một không gian thoáng đãng, rộng rãi với đầy đủ trang thiết bị dạy và học.
Công trình điểm trường Mầm non tại bản Căn Câu 2 với các hạng mục: ba phòng học đạt tiêu chuẩn, một khu vệ sinh, sân, cổng, hàng rào và trang thiết bị dạy học. Công trình được triển khai xây dựng từ đầu tháng 5/2018, với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng từ nguồn quỹ “Trường học cho em” của Hội cựu sinh viên Khóa 39 - Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Đây là điểm trường thứ 4 được Hội cựu sinh viên Khóa 39 - Trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện, sau 3 điểm trường tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái.
Đại diện nhà trường nhận bàn giao chìa khóa từ những tấm lòng vàng trao tặng. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN |
Chị Phạm Thị Diệu Hương, Phó Chủ tịch Hội cựu sinh viên Khóa 39 - Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Mô hình này sẽ được nhân rộng để có nhiều hơn nữa những công trình giáo dục, chia sẻ với các địa phương khó khăn trong cả nước.
Theo Bí thư Huyện ủy Phong Thổ Nguyễn Ngọc Vinh, chính quyền địa phương đã hỗ trợ trong quá trình thực hiện công trình, từ chi phí quản lý dự án, giám sát, giải phóng mặt bằng, lợi nhuận của tổng thầu... Nhờ đó, công trình đã tối giản tất cả các chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt nhiệm vụ dạy và học. Công trình điểm trường Mầm non tại bản Căn Câu 2 được nghiệm thu, đưa vào sử dụng sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho cô và trò Nhà trường, góp phần đáp ứng nhu cầu dạy, học tại địa phương.
Công trình hoàn thành có sự trợ giúp bằng công sức từ phía phụ huynh và người dân xã Sin Suối Hồ. Chị Tẩn Mí Quẩy, dân tộc Dao, ở bản Căn Câu 2 cho biết, gia đình chị có con học ở điểm trường này. Năm học 2018-2019, con chị được học ở ngôi trường mới nên chị rất vui. Bà con dân bản cảm ơn những tấm lòng vàng đã chia sẻ khó khăn với người dân vùng cao.
Trong lễ bàn giao điểm trường Mầm non tại bản Căn Câu 2 diễn ra ngày 19/8, bà con dân bản đến tham dự rất đông, cô và trò hòa vào những điệu múa, lời ca tiếng hát vui vẻ. Những cái ôm thắm thiết của cựu sinh viên Khóa 39 - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dành cho học sinh, thể hiện tình yêu thương và gửi thông điệp “cho đi là còn mãi”. Những người có mặt trong buổi lễ đều vô cùng xúc động bởi việc làm của tập thể Hội cựu sinh viên Khóa 39 là rất ý nghĩa, đầy tính nhân văn.
Lễ cắt băng khánh thành ngôi trường mới cho 55 cháu mẫu giáo học tại bản Căn Câu 2. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN |
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn, sự học của con em đồng bào dân tộc còn nhiều gian nan, vất vả. Thầy, cô giáo yêu nghề, yêu trẻ đã không quản khó khăn để bám trường, bám lớp kiên trì gieo chữ tại vùng cao mặc dù trường lớp, cơ sở vật chất còn tạm bợ. Những tổ chức, nhà hảo tâm đến với Lai Châu sẽ là nguồn động viên, sẻ chia với sự nghiệp giáo dục ở vùng cao biên giới.
Việt Hoàng