Hiện nay trên địa bàn xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), có 4/17 xóm (khoảng 400 hộ dân) đang sống trong tình trạng thiếu điện trầm trọng. Nguyên do đường tải điện xuống cấp, các trạm biến áp thiếu và yếu, dẫn đến tình trạng nguồn điện không đủ đáp ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Vân Sơn là xã mới thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã vùng cao của huyện Tân Lạc, gồm: Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn. Là một xã thuần nông chủ yếu phát triển kinh tế dựa vào gieo trồng các cây nông nghiệp như: Ngô, lạc, tỏi, cây su su... nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn.
Trên địa bàn xã Vân Sơn có 8 trạm biến áp, hệ thống hạ tầng đường điện sinh hoạt được lắp đặt từ những năm 2004 và hiện đã xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của người dân hiện nay. Thực tế cho thấy, đời sống bà con nhân dân đã được cải thiện, nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu tốn điện như điều hòa, tủ lạnh… ngày càng tăng cao. Do đó nỗi lo thiếu điện vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra, đặc biệt đối với các hộ gia đình nằm cách xa trạm biến áp từ 1.000 – 2.000m. Khắc phục những khó khăn về điện trong đời sống sinh hoạt, các hộ gia đình buộc phải phân bố thời gian sử dụng điện phù hợp để sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, những hộ gia đình có việc ma chay, cưới hỏi luôn phải dự phòng máy nổ để đảm bảo nguồn điện ổn định.
Có mặt tại xã Vân Sơn, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân nơi đây, cứ tầm 17 giờ đến 21 giờ hàng ngày, hầu như các thiết bị điện của các hộ dân đều "dở chứng". Mùa hè vừa qua, điện luôn trong tình trạng yếu và không ổn định, nhiều hộ gia đình có người già và trẻ em, trời nắng nóng phải ngồi chen nhau để được hưởng chút gió mát. Chưa kể nhiều hộ gia đình than vãn tivi, tủ lạnh... cứ rủ nhau hỏng hết, có nhà nửa năm đã phải mua đến 3 cái tivi.
Bà Hà Thị Thắm, xóm Hày Dưới, xã Vân Sơn (Tân Lạc) bày tỏ, đã hơn 2 năm nay họ sống trong tình trạng điện yếu như thế này. Vào những đêm hè trời nóng, quạt cũng không chạy nổi chứ chưa nói gì điều hòa. Người lớn trong nhà còn có thể cố gắng chịu, chứ trẻ con thì khổ quá. Còn việc nấu nướng thì phải tranh thủ khi thấy điện khỏe là phải đi cắm nồi cơm điện ngay, không kể giờ nào. Hôm nào mà quên, cắm vào giờ cao điểm thì xác định cảnh nồi cơm “trên gạo, dưới cháo”. Tình trạng điện yếu chập chờn khiến sinh hoạt của các gia đình bị đảo lộn, hết sức vất vả. Để đối phó với nguồn điện áp không ổn định, một số hộ gia đình ở đây đã trang bị ổn áp nguồn điện. Tuy nhiên, theo một số người dân, đây chỉ là biện pháp tạm thời nhằm phần nào hạn chế việc hư hỏng các đồ dùng trong gia đình.
Chị Hà Thị Điền, xóm Bục, xã Vân Sơn (Tân Lạc) cho biết, do điện yếu, chập chờn nên các thiết bị điện trong nhà rất hay hư hỏng, gia đình chị đến nay đã bị hư hỏng 2 đầu chảo bắt sóng tivi, mỗi đầu chảo có giá 800-900 nghìn đồng. Người dân nơi đây kinh tế rất khó khăn, nên để mua được một đầu chảo là cả sự đầu tư. Khi đầu chảo hỏng, người dân không theo dõi được tình hình thời sự, không xem được các chương trình về sản xuất nông nghiệp, diễn biến của dịch COVID-19... Ngoài ra, khi mất điện các đồ dùng tích trữ trong tủ lạnh hay bị hư hỏng hết... Những hộ gia đình gần trạm biến áp còn có lúc được dùng điện, còn những hộ ở xa trạm biến áp thì không có điện để nấu ăn cũng như thắp sáng. Nhiều hộ gia đình đã phải thắp nến, đèn dầu để sử dụng vào ban đêm. Những lúc nhà có việc như ma chay, cưới hỏi phải xuống tận dưới trung tâm xã để mượn máy nổ. Chị rất mong nhà nước quan tâm, sớm đầu tư để người dân được sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.
Điện yếu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, anh Bùi Văn Đăng, xóm Bục, xã Vân Sơn (Tân Lạc) cho biết, gia đình đầu tư máy xay xát hơn một năm nay để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân xung quanh, nhưng do điện yếu việc xay xát ngày được ngày không. Bình thường nếu muốn xay xát thì phải chọn giờ, khi người dân đi làm nương hết thì lúc đấy điện mới khỏe thì máy mới chạy được.
Không chỉ khó khăn về điện sinh hoạt, vấn đề đảm bảo an toàn sử dụng điện hiện nay cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chính do địa bàn rộng, dân cư sinh sống rải rác. Do đó để có nguồn điện sử dụng, các hộ gia đình ở xa trạm biến áp phải sử dụng cột bương, tre tự dẫn điện băng qua những cánh đồng, đường giao thông. Tuy nhiên sau khoảng thời gian ngắn, nhiều cột chống dây điện bị mục nát, gãy đổ do mưa to, gió lớn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn cho nhân dân sinh sống trên địa bàn.
Theo kế hoạch, chính quyền xã đã kiến nghị lên ngành điện xây dựng kế hoạch đầu tư đường điện giai đoạn 2020 – 2025 với mục tiêu xây dựng 3 trạm biến áp đặt tại các khu vực khó khăn về điện sinh hoạt trên địa bàn. Đồng thời đầu tư, sửa chữa các trạm biến áp đã xuống cấp. Nâng cấp đường truyền tải điện đến các khu vực đông dân cư, các xa trung tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn điện. Tuy nhiên đến nay vẫn chỉ dừng ở mức độ khảo sát.
Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, ông Hà Văn Huê cho biết, việc thiếu điện sinh hoạt và sản xuất, chính quyền xã đã nắm bắt được và đã kiến nghị lên cấp trên tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay dự án nâng cấp đường tải điện và bổ sung các trạm biến áp chậm được triển khai. Xã mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm có phương án giúp người dân được dùng nguồn điện ổn định, để người dân yên tâm lao động và sản xuất.
Thanh Hải