Đến xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) không khó để bắt gặp các vườn hồ tiêu được trồng cách đây khoảng 20 năm nhưng xanh tốt và cho năng suất cao. Điểm chung là các vườn tiêu này đều được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học.
Thu bền vững, giá thành cao
Gia đình ông Đặng Tấn Huynh, tại thôn 6, xã Nhân Cơ có 10 ha trồng hồ tiêu xen cà phê, mít, bơ, sầu riêng áp dụng kỹ thuật trồng theo hướng hữu cơ. Điều đặc biệt, tuy được xếp vào diện "cổ thụ", trồng khoảng 20 năm, nhưng vườn hồ tiêu của ông hiện nay vẫn xanh tốt, cho năng suất từ 4 - 5 tấn/ha.
Ông Huynh cho biết, ngay từ khi bắt tay vào trồng hồ tiêu, xác định việc lạm dụng phân bón hóa học, bón phân không đúng cách sẽ khiến cây hồ tiêu chết. Thế nên, ông chọn chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng là chính.
Để đạt hiệu quả cao, ông Huynh trộn phân chuồng với bánh dầu (tức bã đậu phộng), vỏ cà phê, kết hợp với men vi sinh, vôi và ủ tầm 6 tháng. Mỗi năm, ông bón từ 20 - 30 kg phân chuồng cho mỗi cây tiêu.
Ngoài khâu phân bón, toàn bộ diện tích hồ tiêu được ông trồng bằng trụ sống để cây phát triển bền vững. Trong vườn, ông luôn để cỏ, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học.
Năm 2014, vườn hồ tiêu của gia đình ông Huynh đạt tiêu chuẩn hộ nông dân sinh thái, chứng nhận hữu cơ USDA Organic của Hoa Kỳ. Ban đầu, ông Huynh bán 1,6 tấn hồ tiêu hữu cơ với giá 200.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ 165.000 đồng/kg.
Năm 2018, với 19 tấn hồ tiêu hữu cơ, ông bán với giá 100.000 đồng/kg, trong khi thị trường chỉ có giá 50.000 đồng/kg. Tổng cộng, ông thu về 1,9 tỷ đồng chưa trừ chi phí. Năm 2019, giá hồ tiêu xuống thấp kỷ lục chỉ có 36.000 đồng/kg nhưng hồ tiêu hữu cơ của gia đình ông vẫn bán tới 60.000 đồng/kg.
“Trồng cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ mang lại nhiều hiệu quả. Tôi trồng hồ tiêu hơn 22 năm, thu bền vững, năng suất ổn định, gần như rất ít khi chết nhanh, chết chậm. Giá hồ tiêu hữu cơ luôn cao hơn thị trường, trung bình từ 30 - 40 %, riêng có những năm cao hơn đến 50%,” ông Huynh chia sẻ.
Cần sự hỗ trợ
Hiện nay, ông Huynh là Giám đốc Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ với 17 thành viên trồng 80 ha hồ tiêu theo hướng hữu cơ; trong đó, 8 thành viên có vườn hồ tiêu đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.
Ông Phạm Ngọc, thành viên Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, có 2 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ chia sẻ: “Vườn hồ tiêu của gia đình trồng cũng đã nhiều năm nhưng vẫn xanh tốt, đạt năng suất đều khoảng 4 tấn/ha. Trong 4 năm qua, tôi bán hồ tiêu cho hợp tác xã với giá cao gấp đôi so với tiêu thông thường”.
Hiện nay, mỗi năm, Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận xuất bán theo hợp đồng với công ty thu mua khoảng 60 tấn hồ tiêu hữu cơ, chỉ chiếm khoảng 40% sản lượng hồ tiêu của hợp tác xã. 60% sản lượng hồ tiêu còn lại, hợp tác xã bán với giá thông thường.
Theo ông Đặng Tấn Huynh, khâu chăm sóc, phát triển cây hồ tiêu hiện nay khá ổn, các xã viên đã thực sự có ý thức, kinh nghiệm đối với trồng tiêu hữu cơ nhưng khâu tiêu thụ vẫn đang là vấn đề khó khăn lớn đối với hợp tác xã. Vì thế, hợp tác xã đang tìm đầu ra để tăng số lượng tiêu thụ hồ tiêu hữu cơ. Hợp tác xã cũng đang rất cần sự hỗ trợ về xúc tiến thương mại, giúp tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây, người dân Đắk Nông đã thay đổi phương thức sản xuất hồ tiêu để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Người nông dân đã có xu hướng mạnh mẽ trong việc chuyển từ phương pháp truyền thống qua canh tác hữu cơ. Trong vấn đề đồng hành với nông dân, ngành nông nghiệp Đắk Nông đã kêu gọi một số doanh nghiệp đến thu mua giá tốt, theo các tiêu chuẩn thị trường đặt ra. Đồng thời, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác có đăng ký sản xuất hữu cơ được cấp chứng nhận, công nhận sản phẩm hữu cơ để được ưu tiên trên thị trường.
Đắk Nông là địa phương có năng suất hồ tiêu lớn nhất cả nước với hơn 33.000 ha, đạt sản lượng trên 60.000 tấn. Tỉnh đã quy hoạch 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Đắk Song là xã Thuận Hà với diện tích 416,4 ha và xã Thuận Hạnh trên 1.133 ha.
Tháng 11/2021, sản phẩm hạt tiêu “Đắk Nông” được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của tỉnh Đắk Nông, điều này đánh dấu thành công lớn trong việc khẳng định chất lượng, vị thế của hồ tiêu Đắk Nông trên thị trường.
Nguyên Dung