Nâng tầm giá trị cho sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông

Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến tại huyện Đắk Song (Đắk Nông) thu về 700 tấn hồ tiêu/ năm. Sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã luôn cao hơn thị trường từ 20-30% và hiện được xuất khẩu qua Ấn Độ. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN
Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến tại huyện Đắk Song (Đắk Nông) thu về 700 tấn hồ tiêu/ năm. Sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã luôn cao hơn thị trường từ 20-30% và hiện được xuất khẩu qua Ấn Độ. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Đắk Nông là một trong những địa phương có sản lượng hồ tiêu cao nhất Việt Nam. Thời gian gần đây, nông dân Đắk Nông đang dần thay đổi tập quán canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng đến hội nhập quốc tế. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội lớn để hồ tiêu Đắk Nông khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế.

Nâng tầm giá trị cho sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông ảnh 1Đắk Nông là một trong những địa phương có sản lượng hồ tiêu cao nhất Việt Nam với hơn 60.000 tấn. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Sản xuất theo hướng hữu cơ

Cách đây 2 năm, gia đình chị Phạm Thị Anh tại thôn 8, xã Nam Bình, huyện Đắk Song đã chuyển 2,5 ha hồ tiêu từ phương pháp truyền thống qua trồng hữu cơ. Từ đó đến nay, cây hồ tiêu của gia đình luôn xanh tốt, kháng bệnh, cho năng suất, chất lượng cao hơn trước.

Chị Phạm Thị Anh cho biết, trồng theo phương pháp cũ gia đình tốn nhiều chi phí cho việc mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… Trước đây, mỗi năm gia đình chị tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng, thu được chỉ 3 tấn hồ tiêu/ha. Hiện nay, chi phí giảm khoảng 30%, đạt năng suất khoảng 4 tấn hồ tiêu/ha.

Nâng tầm giá trị cho sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông ảnh 2Gia đình chị Phạm Thị Anh tại thôn 8, xã Nam Bình, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã chuyển 2,5 ha hồ tiêu từ phương pháp truyền thống qua trồng hữu cơ cho năng suất, chất lượng cao hơn trước,đạt năng suất khoảng 4 tấn hồ tiêu/ha. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Theo chị Phạm Thị Anh, mục tiêu gia đình đặt ra là sản xuất hồ tiêu hữu cơ bao gồm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với sản lượng cao, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, hướng sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế với giá thành cao.

Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến tại huyện Đắk Song có diện tích 160 ha, liên kết 63 thành viên cùng sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp bền vững. Thành lập từ năm 2017, đến nay, hợp tác xã đã xây dựng vùng sản xuất đạt chứng nhận VietGAP thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, RainForest (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững)… và có đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ phân hiệu hồ tiêu “Nam Bình Tiến”.

Lý giải về nguyên nhân trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ông Đồng Xuân Liền- Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến cho biết, trước đây, khi giá hồ tiêu ở mức cao, để tăng năng suất, nhiều nông dân lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên đất dẫn đến việc hàng loạt cây hồ tiêu bị bệnh và chết. Xác định để cây hồ tiêu phát triển tốt, nhiều hộ dân đã cùng nhau trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững, phát triển thuận tự nhiên.

Nâng tầm giá trị cho sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông ảnh 3Nông dân Đắk Nông đang dần thay đổi tập quán canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng đến hội nhập quốc tế. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

“Người tiêu dùng hiện nay rất ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường, do đó, sản phẩm của hợp tác xã luôn được đón nhận. Trung bình, hợp tác xã thu về 700 tấn hồ tiêu/ năm. Sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã luôn cao hơn thị trường từ 20-30% và hiện được xuất khẩu qua Ấn Độ” ông Liền chia sẻ.

Nâng tầm giá trị hồ tiêu

Đắk Nông là địa phương có năng suất hồ tiêu lớn nhất cả nước. Giai đoạn từ năm 2002 đến nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh liên tục tăng mạnh từ 550 ha lên tới hơn 33.000 ha, đạt sản lượng trên 60.000 tấn.

Nhờ phát triển trên nền đất bazan màu mỡ nên thành phần khoáng có trong hạt tiêu của Đắk Nông cao hơn so với các vùng trồng tiêu khác. Đắk Nông được cộng đồng hồ tiêu trong và ngoài nước đánh giá cao, là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào sản xuất hồ tiêu sạch, an toàn…

Nâng tầm giá trị cho sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông ảnh 4Đắk Nông có 16 chủ thể được cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho hồ tiêu. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Tháng 11/2021, sản phẩm hạt tiêu “Đắk Nông” được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tại đây, 16 chủ thể sản xuất hồ tiêu của tỉnh được trao giấy chứng nhận. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 111 của cả nước và đầu tiên của tỉnh Đắk Nông. Chỉ dẫn địa lý dùng để chỉ dẫn cho các sản phẩm tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu trắng và được bảo hộ trên toàn tỉnh Đắk Nông, điều này đánh dấu thành công lớn trong việc khẳng định chất lượng, vị thế của hồ tiêu trên thị trường.

Là 1 trong 3 hợp tác xã tại tỉnh Đắk Nông được nhận chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho hạt tiêu đen, ông Đồng Xuân Liền cho biết, việc được cấp chứng nhận có ý nghĩa rất lớn với Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến. Giá trị sản phẩm của hợp tác xã được nhiều người biết đến, các đơn vị thu mua liên kết nhiều hơn.

“Phấn khởi nhất là sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã không những trong nước mà cả thế giới đều biết đến. Đây sẽ là động lực cho bà con nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc đồng hành cùng hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu bền vững, giữ vững danh hiệu, nâng cao vị thế hồ tiêu Đắk Nông” ông Liền phấn khởi chia sẻ.

Nâng tầm giá trị cho sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông ảnh 5Thành phần khoáng có trong hạt tiêu của Đắk Nông cao hơn so với các vùng trồng tiêu khác. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN
Nâng tầm giá trị cho sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông ảnh 6Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến tại huyện Đắk Song (Đắk Nông) thu về 700 tấn hồ tiêu/ năm. Sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã luôn cao hơn thị trường từ 20-30% và hiện được xuất khẩu qua Ấn Độ. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, để nâng tầm giá trị nông sản, người nông dân cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về chỉ dẫn địa lý đáp ứng thị trường thế giới. Để làm được điều đó, các sản phẩm hồ tiêu phải sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

Đặc biệt, để hồ tiêu Đắk Nông xuất khẩu ra thị trường thế giới, tỉnh định hướng người dân tập trung chế biến sâu, tạo sản phẩm tinh dầu tiêu, đồng thời, người nông dân cần thay đổi nhận thức trong việc tư duy sản xuất, hướng đến kinh tế nông nghiệp.

Để chỉ dẫn địa lý phát huy hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Đắk Nông cần chủ động quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân đã được trao quyền sử dụng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững. Như vậy, nông sản Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung mới giữ vững được chất lượng, uy tín ở thị trường trong nước, từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm