Hiệu quả từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Long An

Nông dân thực hiện cấy lúa bằng máy tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Ảnh: An Hiếu
Nông dân thực hiện cấy lúa bằng máy tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Ảnh: An Hiếu

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong ba chương trình đột phá do tỉnh Long An đề ra nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (giai đoạn 2021-2025) bước đầu đã mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống nông dân và tạo nguồn nông sản phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu. Long An là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn, sản lượng bình quân 2,8 triệu tấn/năm.

Kết quả khả quan, tín hiệu tích cực

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (giai đoạn 2021-2025) được xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa phù hợp với từng địa phương. Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với doanh nghiệp, nông dân xây dựng vùng sản xuất lúa đạt chuẩn xuất khẩu trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (gieo sạ bằng máy sạ cụm, sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật,...), tổ chức cho nông dân tham gia sản xuất lúa ƯDCNC tập huấn, tham quan và đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng. Việc xây dựng vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu được bao tiêu đầu ra, nông dân an tâm sản xuất và có lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa theo kiểu truyền thống.

Hiệu quả từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Long An ảnh 1Nông dân thực hiện cấy lúa bằng máy tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Ảnh: An Hiếu

Đến nay, diện tích sản xuất lúa ƯDCNC của tỉnh là 46.929 ha (theo kế hoạch 60.000 ha, đạt 78,2%), nhờ tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng giống xác nhận, giảm được lượng giống gieo sạ 10-20 kg/ha so với ngoài mô hình; sử dụng phân đạm chậm tan, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thời gian cách ly theo tiêu chuẩn xuất khẩu; ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm 20-30% lượng thuốc BVTV so với cách phun thông thường, bảo đảm sức khỏe cho người nông dân... Theo thống kê, diện tích ƯDCNC cho năng suất trung bình 72-75 tạ/ha, cao hơn khoảng 3 tạ so với lúa không ứng dụng công nghệ. Chi phí sản xuất giảm bình quân 1,4 triệu đồng mỗi ha. Lợi nhuận bình quân là 27 triệu đồng/ha (cao hơn ngoài mô hình khoảng 3,2 triệu đồng/ha). Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp, chi nhánh tham gia xuất khẩu gạo, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đa dạng hóa thị trường và dần chuyển hướng từ gạo thông dụng sang gạo cấp cao, chú trọng tăng giá trị sản phẩm thông qua chất lượng, từ đó, tiếp cận, thâm nhập vào các thị trường lớn, khó tính.

Bên cạnh cây lúa, chanh cũng là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cho người trồng. Toàn tỉnh có trên 11.700 ha trồng chanh, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Diện tích chanh cho trái trên 10.300 ha, năng suất thu hoạch bình quân 180 tạ/ha, sản lượng 173.828 tấn, người trồng chanh có lợi nhuận từ 250-350 triệu đồng/ha/năm. Sở dĩ người trồng chanh có thu nhập cao do những năm gần đây, chanh là một trong những loại nông sản được doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu. Ngoài thị trường Trung Quốc, chanh được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có châu Âu. Dự kiến đến hết năm 2022, Long An xây dựng hai mô hình điểm về thâm canh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Bến Lức và Đức Huệ với diện tích hơn 20 hecta. Nông dân được hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp như phân hữu cơ dạng lỏng và dạng rắn, phân bón thông minh, sản phẩm sinh học đối kháng nấm bệnh. Cây cũng được ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến dạng tưới phun mưa qua gốc.

Hiệu quả từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Long An ảnh 2Cánh đồng lúa chất lượng cao tại xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường (Long An). Ảnh: An Hiếu

Riêng đối với chăn nuôi, trên bò thịt, tỉnh đã triển khai xây dựng 3 mô hình điểm chăn nuôi, hỗ trợ nông dân chuyển đổi bò giống, hỗ trợ gieo tinh nhân tạo các giống chất lượng cao cho 6.326 bò cái sinh sản; tăng năng suất (trọng lượng) lên khoảng 30%; giảm khoảng cách 2 lứa đẻ (từ 3 năm/bê còn 2 năm/bê).

Tăng cường hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Theo UBND tỉnh Long An, toàn tỉnh đã có 271 lượt mã số vùng trồng (thanh long, chanh, chuối, dưa hấu…) với tổng diện tích 13.475,3ha, thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Úc, New Zeland, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản; và 158 mã số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu. Xây dựng quảng bá được 28 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản; Hỗ trợ 2.061.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR với 17 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; Hỗ trợ 111 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm nông sản đã và đang thực hiện chứng nhận VietGAP, với diện tích trên 2.868ha. Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 94 hợp tác xã, Hiệp hội xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản (gạo Nàng thơm, gạo Huyết rồng, lúa chất lượng cao, nếp, thanh long, chanh, khóm, khoai mỡ, rau...).

Sở NN&PTNT tỉnh Long An cũng cho biết, từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sản xuất ƯDCNC. Đến nay, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC. Các địa phương cũng tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp về việc cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, cấp giấy chứng nhận sản xuất rau hữu cơ; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng 6 chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản và hỗ trợ 300.000 tem truy xuất quét mã QR cho các sản phẩm chuỗi cung ứng. Đến nay, tỉnh xây dựng được 28 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, bò và thủy sản; hỗ trợ 2.061.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các đơn vị này.

Hiệu quả từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Long An ảnh 3Chăm sóc mạ khay tại HTX Thạnh Hưng, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường (Long An). Ảnh: An Hiếu

Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung nguồn vốn đầu tư hạ tầng vùng sản xuất ƯDCNC, bảo đảm cho vận chuyển vật tư, hàng hóa sản xuất. Năm 2022 vừa qua, tỉnh đã bố trí đầu tư 47 công trình cho vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với kinh phí khoảng 163 tỉ đồng và đang tiếp tục rà soát danh mục các công trình đầu tư cho vùng sản xuất ƯDCNC giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, ngành triển khai 40 danh mục với kinh phí khoảng 244,8 tỉ đồng. Các công trình sau khi được đầu tư góp phần phục vụ vùng sản xuất ƯDCNC trong việc ngăn lũ, triều cường, cung cấp nước tưới. Các công trình này vừa phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận của người dân trong vùng, góp phần giúp xã đạt tiêu chí nông thôn mới về thủy lợi, giao thông.

Theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2025, Long An tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tham gia và ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tập trung triển khai, xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu; tiếp tục hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản; tập trung chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ vùng sản xuất ƯDCNC.

Thu Hương

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm