Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, cơ sở chăn nuôi thực hiện sản xuất 4 loại cây trồng gồm lúa, rau, thanh long, chanh và chăn nuôi bò thịt, tôm nước lợ; các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xử lý nước thải, chất thải nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ là các nhóm đối tượng được hỗ trợ.
Theo đó, tỉnh Long An sẽ hỗ trợ xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu đối với ba loại cây trồng gồm lúa, thanh long, chanh. Trong đó, hỗ trợ về giống không quá 1,2 triệu đồng/ha/vụ đối với lúa, không quá 15 triệu đồng/ha đối với chanh và thanh long; hỗ trợ 50% giá thuê hoặc 40% chi phí mua máy móc thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất.
Đối với việc xây dựng các mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng, tỉnh Long An sẽ hỗ trợ ba năm liên tiếp thực hiện mô hình. Trong đó, năm đầu tiên hỗ trợ 50%, năm thứ hai 30% và năm thứ ba 20% tổng chi phí mua giống, vật tư sản xuất; thiết kế, cải tạo lại đồng ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất.
Trong chăn nuôi, tỉnh Long An sẽ hỗ trợ một lần 70% tổng chi phí mua giống, vật tư, thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,… để xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào chăn nuôi bò thịt; hỗ trợ 10 triệu đồng/con bò cái sinh sản 12 tháng tuổi trở lên cho các cơ sở chăn nuôi chuyển đổi sang giống bò thịt chất lượng cao; hỗ trợ 100% kinh phí thụ tinh nhân tạo/lần phối giống; hỗ trợ 50% chi phí cho hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi để đầu tư đổi mới trang thiết bị, dụng cụ hiện đại, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong chăn nuôi bò thịt, mức hỗ trợ tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Đối với nuôi tôm nước lợ, tỉnh Long An chủ trương hỗ trợ một lần 50% tổng kinh phí thực hiện mô hình điểm nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình; 30% tổng kinh phí thực hiện mô hình nhân rộng nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bằng các hình thức như ưu đãi lãi suất trong ba năm liên tiếp để đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ với hạn mức tối đa 20 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị; tối đa 5 tỷ đồng cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò thịt quy mô 300 con bò thịt trở lên để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị...
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong công tác tư vấn, đào tạo, tập huấn, chứng nhận doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000, IFS, BRC…; chứng nhận sản phẩm GlobalGAP; xây dựng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu…
Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài cây lúa, thanh long, rau màu và chăn nuôi bò thịt, Long An sẽ bổ sung thêm cây chanh và nuôi tôm nước lợ vào chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2025, có vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 60.000 ha lúa, 6.000 ha thanh long, 3.000 ha chanh, 2.000 ha rau, 100 ha tôm nước lợ và đàn bò thịt có khoảng 300 con bò cái sinh sản được cải tạo, 20.000 con bò gieo tinh nhân tạo với các giống chất lượng cao như Brahman, Droughmaster, Angus…
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thông qua hình thức tín dụng, hỗ trợ kinh phí sẽ khuyến khích sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu./.
Bài và ảnh: Bùi Giang