Hiệu quả liên kết sản xuất lúa giống ở Đồng Tháp

Đội khử lẫn cắt lúa lộn, lúa cỏ… trong ruộng lúa để đảm bảo chất lượng lúa giống cung cấp cho các công ty. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Đội khử lẫn cắt lúa lộn, lúa cỏ… trong ruộng lúa để đảm bảo chất lượng lúa giống cung cấp cho các công ty. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Những năm gần đây, liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp đang trở thành xu thế và nhu cầu của nhiều nông dân. Cũng từ đó đã có nhiều mô hình liên kết được hình thành, phát triển và phát huy hiệu quả. Tiêu biểu là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi (huyện Tháp Mười) với mô hình liên kết sản xuất lúa giống.

Hiệu quả liên kết sản xuất lúa giống ở Đồng Tháp ảnh 1Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi chuẩn bị mạ cho mùa vụ mới. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tháng 3/2019, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi thành lập trên cơ sở Tổ sản xuất lúa giống Thạnh Lợi. Hiện, hợp tác xã có trên 70 thành viên, dịch vụ hoạt động chủ yếu là liên kết với các công ty để sản xuất lúa giống chất lượng cao như: OM-5451, OM-7347, OM-2395, OM-18, Jasmine…

Bà Bùi Thị Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi cho biết, liên kết sản xuất với những công ty có uy tín nên nông dân an tâm vì đầu ra và giá cả ổn định. Hiện tại, giá bán lúa giống cao hơn lúa thương phẩm từ 500 - 700 đồng/kg, trong khi đó, năng suất tăng trung bình từ 600 - 800 kg/ha. Với hiệu quả mang lại, thu hút nhiều nông dân tham gia liên kết sản xuất lúa giống.

Năm 2021, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi đã liên kết sản xuất lúa giống với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Trách nhiệm hữu hạn lúa gạo Việt Nam (VinaRice), tổng diện tích hơn 815 ha, tăng gần 590 ha so với năm 2020. Chỉ tính riêng vụ Hè thu này, hợp tác xã liên kết sản xuất lúa giống hơn 240 ha với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

Hiệu quả liên kết sản xuất lúa giống ở Đồng Tháp ảnh 2Đội khử lẫn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi tổ chức họp, phân công nhiệm vụ chăm sóc lúa giống. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Theo tính toán của nhiều nông dân, tham gia hợp tác xã, bà con được hưởng rất nhiều lợi ích, không chỉ được cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý mà còn yên tâm về đầu ra sản phẩm do đã được ký hợp đồng liên kết sản xuất với công ty.

Với diện tích đất canh tác 11 ha, anh Trần Văn Tá, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi đã tham gia liên kết sản xuất lúa giống suốt nhiều năm nay. Anh Trần Văn Tá cho hay: “Liên kết sản xuất, được công ty cung cấp giống lúa nguyên chủng và tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật tiến bộ nên năng suất vá giá bán đều cao hơn lối canh tác truyền thống. Tôi chỉ tập trung canh tác sao cho lúa có năng suất và chất lượng tốt, còn đầu ra ổn định vì có hợp tác xã và công ty lo. Đặc biệt là không tốn một khoản tiền chi cho “cò lúa” và tránh tình trạng bị thương lái ép giá”.

Để hỗ trợ cho các thành viên trong quá trình canh tác lúa giống, hợp tác xã thành lập các đội gieo mạ, đội phun xịt, đội khử lẫn, đội thu hoạch. Vì vậy, không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên mà Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Hiệu quả liên kết sản xuất lúa giống ở Đồng Tháp ảnh 3Đội khử lẫn cắt lúa lộn, lúa cỏ… trong ruộng lúa để đảm bảo chất lượng lúa giống cung cấp cho các công ty. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Chị Nguyễn Thị Thanh Diệu ngụ xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Tôi tham gia đội khử lẫn nhiều năm nay, làm những công việc như: giặm lúa, nhổ cỏ, cắt lúa lộn… Nhờ đó, tôi có công việc ổn định, thường xuyên. Trung bình làm mỗi ngày 6 tiếng, thu nhập 200.000 đồng, góp phần trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình”.

Bên cạnh liên kết sản xuất lúa giống với công ty, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi còn hoạt động các dịch vụ: cung cấp lúa giống cho nông dân; cung cấp vật tư nông nghiệp; bảo hiểm xe gắn máy, ô tô. Qua hơn 3 năm hoạt động, hợp tác xã đã từng bước khẳng định vai trò của mình, xác định được những dịch vụ trọng tâm, sát với nhu cầu của thành viên. Đa số các dịch vụ của hợp tác xã đã được thành viên sử dụng, góp phần tăng doanh thu cho hợp tác xã và mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân. Trong năm 2021, doanh thu của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi đạt gần 600 triệu đồng.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi Bùi Thị Thông, thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục liên kết sản xuất lúa giống với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lúa gạo Việt Nam (VinaRice); đồng thời, dự kiến hợp tác sản xuất thêm lúa nguyên liệu. Năm nay, hợp tác xã tiếp tục phấn đấu sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giảm giá thành trong canh tác, tìm đầu ra cho nông sản; đặt ra chỉ tiêu cung cấp 90 tấn lúa giống cho thành viên và hợp đồng liên kết với công ty sản xuất 700 ha lúa giống.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, giúp lúa của nông dân có đầu ra ổn định, giảm chi phí canh tác và tăng lợi nhuận. Đây là một trong những hợp tác xã hoạt động hiệu quả ở Đồng Tháp, nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm