Kỹ thuật chọn giống lúa khỏe

Kỹ thuật chọn giống lúa khỏe
Lúa giống. Ảnh: nuoitrong123.com
                              Lúa giống. Ảnh: nuoitrong123.com

Gieo trồng hạt giống khoẻ, có chất lượng cao là điều kiện cần thiết để có một vụ mùa thu hoạch cao (có thể tăng năng suất từ 5-20%)  và góp phần gia tăng chất lượng nông sản hàng hóa.

Vì khâu để giống và chọn giống phải có chất lượng tốt thì cây lúa trồng sau này sẽ được khoẻ mạnh, chịu đựng được và vượt qua được biến động của môi trường sống (gặp hạn hoặc gặp lạnh đột ngột).

Như vậy hạt giống khoẻ là hạt giống phải có những yêu cầu sau:

1. Hạt giống phải thuần, đúng giống, phải đồng nhất về kích cỡ, giống không bị lẫn những giống khác, hạt cỏ và tạp chất. Hạt giống phải sáng mẩy, không hoặc có rất ít hạt lem (chỉ chấp nhận có hạt lem 0,5% bị lẫn trong hạt giống, nghĩa là 1.000 hạt chỉ có 5 hạt hạt lem), có rất ít hạt lửng và hạt bị dị dạng.

2. Tỷ lệ nẩy mầm cao (hơn 80%) và cây mạ phải có sức sống mạnh.

3. Hạt giống không bị côn trùng phá hoại (sâu mọt), không lẫn hạch nấm hoặc không mang mầm bệnh nguy hiểm

Muốn có hạt giống khoẻ thì ta phải lưu ý một số biện pháp cải thiện chất lượng hạt giống khi còn trên đồng ruộng và trong bảo quản tồn trữ như là:

a. Trên đồng ruộng:

Sau khi nông dân chọn và canh tác những giống thích hợp ở điều kiện địa phương, thì chúng ta cần lưu ý những biện pháp sau đây:

- Kỹ thuật canh tác: Bảo đảm cây lúa sinh trưởng tốt (bón phân cân đối và đầy đủ, quản lý nước tốt, làm sạch cỏ dại, không có lúa rày ( lúa cỏ ) trên chân ruộng, phòng trừ sâu bệnh tốt ở cuối vụ như bệnh vàng lá, bệnh đốm vằn, bệnh cháy bìa lá, rầy nâu, bọ xít dài,& để hạn chế gây lép hạt ở tỷ lệ cao, hạn chế vi sinh vật gây bệnh cho hạt và đặc biệt không lấy giống ở những ruộng có bệnh gây hại nặng  như  bệnh đạo ôn, lúa von,  bệnh  cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt & (vì những bệnh này có khả năng lây truyền qua hạt giống)

- Khử lẫn: Tiến hành khử lẫn ngay từ đầu để bảo đảm lúa bằng đọt và sau khi trổ tiến hành khử lẫn lần cuối  để bảo đảm độ thuần. Cách khử lẫn như sau: Nhổ bỏ những cây cao và ngoài hàng (cấy hoặc sạ theo hàng), cắt những bông lúa khác so với quần thể như lúa cỏ, lúa von, lúa khác giống.

b. Không chọn những ruộng lúa bị bệnh để giống cho vụ sau. Chẳng hạn như bệnh lúa von, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh than vàng, bệnh đen hạt, bệnh đốm nâu,...

c. Thu hoạch và tồn trữ:

Trong thu hoạch lúa giống, các điều kiện cần có để bảo đảm độ thuần của lúa giống như sau:

- Chuẩn bị máy suốt sạch không còn lẫn tạp giống khác, kể cả bao bì  đựng lúa giống.

- Chuẩn bị sân phơi riêng, không phơi gần những giống khác. Chú ý không nên phơi mớ ngoài đồng (dễ làm gạo gẫy, lúa khô không đều)

- Sau khi phơi khô, giê sạch, độ ẩm hạt còn 14% là điều kiện tồn trữ tốt nhất.
- Cách tồn trữ: Nơi thoáng mát, tránh mưa nắng, nếu tồn trữ từ vụ Hè Thu năm trước đến vụ Đông Xuân sau, phải chú ý bảo vệ sâu mọt để bảo đảm độ nẩy mầm. Có thể xử lý hạt giống để diệt trừ mầm bệnh trước khi gieo sạ: - Xử lý bằng nhiệt (ở nhiệt độ 54oC trong 15 phút, nếu không có nhiệt kế thì áp dụng ngâm ở nhiệt độ 3 phần nước sôi hòa với 2 phần nước lạnh) - Xử lý nước muối 15% trong 30 phút để loại hạt lép lửng (hạt lép lửng là hạt chứa nhiều mầm bệnh), và có thể diệt được một số mầm bệnh trên hạt lúa. - Xử lý một trong các loại thuốc trừ nấm có hoạt chất như Benomyl, Carbendazim,... ở nồng độ 0,5% (5 ml thuốc cho 1 lít nước/1 kg hạt lúa giống) ngâm trong 3 giờ, hoặc trộn khô hạt giống với thuốc dạng bột như Zineb, Mancoxeb,...theo tỷ lệ 0,5% (5 g thuốc trộn với 1 kg hạt giống), hoặc có thể dùng nước vôi ngâm hạt giống trong 2 giờ trước khi ngâm ủ cũng có tác dụng tiêu diệt một số nấm.

Theo 2lua.vn

Có thể bạn quan tâm