Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, những người con của núi rừng Tây Bắc hôm nay đang hiện thực hóa ước mơ làm du lịch trên núi. Ngày đêm nỗ lực vượt khó, họ đã tạo nên những sản phẩm du lịch cộng đồng (homestay) đặc sắc, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc…
Gắn với bảo tồn văn hóa bản địa
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc Hà Nhì, thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch homestay. Không chỉ tạo nên một điểm đến thú vị cho du khách, mô hình này còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào nơi đây.
Homestay “Hà Nhì House” của gia đình anh Sần Thó Mừ, dân tộc Hà Nhì ở thôn Choản Thèn, xã Y Tý đã hoạt động được gần 2 năm. Với vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó có 200 triệu vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Mừ đã xây dựng homestay theo đúng kiểu nhà truyền thống, bên trong trang trí tranh, ảnh giới thiệu về dân tộc Hà Nhì. Từ khi làm du lịch, gia đình anh Mừ có thu nhập ổn định khoảng 15 triệu đồng/ tháng, cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp trước đây. Anh Mừ chia sẻ: “Tôi xây dựng điểm du lịch đúng với bản sắc của dân tộc Hà Nhì để thu hút du khách, đồng thời tạo thêm việc làm như bán nông sản bản địa, sản phẩm thủ công truyền thống…, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào trong vùng”.
“Y Tý không chỉ có mây, có ruộng bậc thang mà còn có người Hà Nhì. Khách đến với mình là đến với những đặc trưng nhất của người Hà Nhì” - đó là lời chia sẻ chân thành của anh Ly Xá Xuy, chủ homestay “Y Tý Clound” ở bản Choản Thèn, xã Y Tý. Làm du lịch được khoảng 5 năm, nhờ chú trọng gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, homestay của anh Xuy đón nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo thu nhập ổn định cho gia đình từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Y Tý hiện có khoảng 20 cơ sở lưu trú homestay. Được sự động viên, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đồng bào rất có ý thức gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc như nghi lễ, lễ hội, trang phục, nghề truyền thống… Theo ông Phu Che Thó, cán bộ văn hóa xã Y Tý, tận dụng lợi thế thiên nhiên, đồng bào đã chủ động đầu tư xây dựng mô hình du lịch homestay. Không chỉ mở ra hướng phát triển kinh tế mới, mô hình homestay còn giúp du lịch Y Tý phát triển bền vững, đồng thời từng bước nâng cao đời sống đồng bào.
“Không ít sản phẩm du lịch cộng đồng ở các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai được du khách đánh giá rất cao. Vận dụng tốt tri thức văn hóa bản địa vào làm du lịch, nhiều hộ đồng bào dân tộc làm du lịch cộng đồng đã có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm” - Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai. |
Hướng tới sự chuyên nghiệp và bền vững
Huyện Bắc Hà (Lào Cai) hiện có gần 30 cơ sở lưu trú homestay, tập trung chủ yếu tại các thôn: Bản Phố, xã Bản Phố; Na Lo, xã Tà Chải; Trung Đô, xã Bảo Nhai; Na Hối Tày và Na Hối Nùng, xã Na Hối. Để du lịch homestay chuyên nghiệp hơn trong phục vụ du khách, các hộ kinh doanh đều được cung cấp thông tin tổng quan về du lịch cộng đồng; tập huấn kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cơ bản về tiếp đón, phục vụ, giao tiếp ứng xử; cách xử lý tình huống trong quá trình hoạt động; quản lý tài chính và tối đa hóa doanh thu…
Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình chị Ma Thị Dí, dân tộc Mông ở thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) với vườn mận tam hoa đặc sản, nơi du khách có thể tham quan và thưởng thức quả ngon ngay tại vườn. Ảnh: Trọng Chính
Homestay “SO Hmong” của gia đình anh Lý Vần Sồ, dân tộc Mông ở thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố là một trong những mô hình có các dịch vụ trải nghiệm khá phong phú. Cùng với ngôi nhà sàn truyền thống được sửa chữa khang trang, đến với homestay “SO Hmong”, du khách được tham quan vườn mận tam hoa đặc sản, thưởng thức những món ăn truyền thống hay hòa mình vào những bài hát, điệu nhảy của đồng bào dân tộc. Với phòng nghỉ sạch sẽ, gọn gàng, công tác tiếp đón ân cần, chu đáo, tạo ấn tượng tốt nên homestay “SO Hmong” của gia đình anh Lý Vần Sồ đón từ 800 - 1.000 lượt khách/ năm, mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 200 triệu đồng/năm.
“Dám nghĩ, dám làm, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương để làm du lịch, những người con của núi rừng Tây Bắc hôm nay đã thay đổi đáng kể nhận thức, chú trọng bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc và hiện thực hóa mục tiêu “miền núi tiến kịp miền xuôi”, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” - đó là những chia sẻ rất tâm đắc của ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai khi trao đổi với chúng tôi.
Trọng Chính – Hoàng Tâm