Phát triển du lịch cộng đồng ở Cực Bắc Tổ quốc

Ngôi nhà “tứ đại đồng đường” của ông Mua Súa Páo trở thành điểm đến yêu thích nhất ở làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn). Ảnh: An Thành Đạt
Ngôi nhà “tứ đại đồng đường” của ông Mua Súa Páo trở thành điểm đến yêu thích nhất ở làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn). Ảnh: An Thành Đạt

Với lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên đến văn hóa truyền thống, Hà Giang đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây cũng là giải pháp đưa vùng đất biên cương này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa…

Phát triển du lịch cộng đồng ở Cực Bắc Tổ quốc ảnh 1Ngôi nhà “tứ đại đồng đường” của ông Mua Súa Páo trở thành điểm đến yêu thích nhất ở làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn). Ảnh: An Thành Đạt

Tiềm năng du lịch cộng đồng

Là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang nổi tiếng là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Không chỉ có khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm, thiên nhiên còn kỳ tạo cho Hà Giang nhiều thắng cảnh hùng vĩ, ngoạn mục như: đỉnh Tây Côn Lĩnh, cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pí Lèng, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì... cùng nhiều khu rừng tự nhiên, suối nước nóng và các di tích nổi tiếng như: Di tích kiến trúc nghệ thuật dinh nhà Vương, chùa Sùng Khánh, di chỉ người Việt cổ...

Phát triển du lịch cộng đồng ở Cực Bắc Tổ quốc ảnh 2Ở làng dệt thổ cẩm Lùng Tám, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang), du khách có thể tìm hiểu những nét độc đáo của làng nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Ảnh: An Thành Đạt

Hà Giang còn là vùng đất có nền văn hóa đa dạng và lâu đời. Đây là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em như Mông, Dao, Tày… với nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống phong phú, lễ hội hấp dẫn. Đến Hà Giang, chắc hẳn du khách không muốn bỏ qua chợ tình Khâu Vai - nơi hẹn hò của những đôi trai gái, được hòa mình vào lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ hội Gầu Tào của người Mông hay những làn điệu Sli, tiếng khèn Mông réo rắt, dập dìu. Không chỉ vậy, du khách còn có cơ hội thưởng thức nhiều món đặc sản hấp dẫn của đồng bào các dân tộc nơi đây như thắng cố, cháo ấu tẩu, thịt gác bếp, lạp sườn...

Phát triển du lịch cộng đồng ở Cực Bắc Tổ quốc ảnh 3Làng cổ Thiên Hương ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) hấp dẫn du khách bởi những ngôi nhà có tuổi thọ hơn 100 năm, còn giữ nguyên vẹn kiến trúc làng bản xưa của người Tày, người Giáy. Ảnh: An Thành Đạt

Để “đánh thức” những tiềm năng này, sớm đưa vùng đất biên cương trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, Hà Giang đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Không chỉ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, DLCĐ còn giúp đồng bào các dân tộc nơi đây xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.

Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng

Những năm gần đây, với số lượng khách tăng, các dịch vụ du lịch tại Hà Giang dần phong phú và chuyên nghiệp hơn. Không ít nơi đã hình thành nên những làng DLCĐ mà ở đó đồng bào dân tộc được hướng dẫn chi tiết cách làm du lịch. Tại thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ), đồng bào dân tộc Dao phát triển mạnh mô hình DLCĐ, hình thành làng văn hóa với nhiều nét đẹp truyền thống. Đó là những nếp nhà trình tường lâu đời, là những con đường nhỏ quanh co uốn lượn, là những đồng cỏ xanh cùng hoa dại với vẻ đẹp nhẹ nhàng và bình dị. Năm 2020, nơi đây đã đón khoảng 8.500 lượt khách, trong đó khách lưu trú trên 6.000 lượt, doanh thu 1,8 tỷ đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng ở Cực Bắc Tổ quốc ảnh 4Tỉnh Hà Giang trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch quốc tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Ảnh: An Thành Đạt

Nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú, làng văn hóa DLCĐ Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn) cũng là một điểm đến thu hút nhiều du khách. Ông Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải chia sẻ: "Thôn có 104 hộ là người Lô Lô và 10 hộ là người Mông. Trước đây, chúng tôi chỉ làm nông nghiệp. Mấy năm vừa qua, huyện Đồng Văn đẩy mạnh phát triển DLCĐ, 11 hộ trong thôn đã làm DLCĐ kết hợp với làm dịch vụ như bán hàng lưu niệm, đặc sản… nên thu nhập tăng, đời sống cải thiện rõ rệt”.

Phát triển du lịch cộng đồng ở Cực Bắc Tổ quốc ảnh 5Hà Giang là vùng đất có nền văn hóa đa dạng và lâu đời. Đây là nơi sinh sống của 19 dân tộc như Mông, Dao, Tày… với nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống phong phú, lễ hội hấp dẫn. Ảnh: An Thành Đạt

Hà Giang hiện có 15 làng văn hóa DLCĐ hoàn thành đủ các tiêu chí và được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là làng văn hóa du lịch tiêu biểu. Được sự hỗ trợ của chính quyền, các làng văn hóa DLCĐ này hoạt động rất hiệu quả, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, DLCĐ hiện đem lại thu nhập bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/ năm/hộ làm dịch vụ, trong đó có những hộ doanh thu đạt 200 triệu đồng/năm. Cách đây chưa lâu, tỉnh Hà Giang cũng đã phê duyệt Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa đến năm 2025, trong đó tập trung ưu tiên phát triển DLCĐ tại các làng văn hóa, góp phần đa dạng hóa và hoàn thiện sản phẩm DLCĐ.

Phát triển du lịch cộng đồng ở Cực Bắc Tổ quốc ảnh 6Hà Giang phát triển du lịch cộng đồng để vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào, vừa kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Ảnh: An Thành Đạt
Phát triển du lịch cộng đồng ở Cực Bắc Tổ quốc ảnh 7Không chỉ có khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm, thiên nhiên còn tạo cho Hà Giang nhiều thắng cảnh hùng vĩ, tươi đẹp. Ảnh: An Thành Đạt

Theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, nhằm đẩy mạnh phát triển DLCĐ, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn đồng bào các dân tộc cách làm du lịch, trong đó quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ cảnh quan, môi trường, nâng cấp dịch vụ, bảo tồn bản sắc văn hóa từng dân tộc, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch… Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Tỉnh cũng chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…

Hương Hiền – An Thành Đạt

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm