Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông

Đường điện và ống thông hơi phục vụ việc khai thác vàng trong hầm sâu. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Đường điện và ống thông hơi phục vụ việc khai thác vàng trong hầm sâu. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Nhiều đối tượng đã ngang nhiên tổ chức khai thác vàng trái phép tại hai tiểu khu 1660 và 1661, thuộc địa giới hành chính xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn chết người và kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh, trật tự.

Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông ảnh 1 Lán trại các đối tượng dựng lên để khai thác vàng trái phép, ước tính có khoảng 20 người cư trú, khai thác vàng. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Dựng lán, đào vàng trên đất rừng

Cùng cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông, gọi tắt là Công ty Quảng Sơn) đi bộ hơn 2km đường rừng, phóng viên tiếp cận hiện trường khu vực khai thác vàng trái phép tại tiểu khu 1660 và 1661. Giữa vùng lõi rừng, nhiều lán trại được dựng lên dưới chân đồi, đủ để hàng chục người cư trú, sinh hoạt.

Một số hầm khai thác vàng được các đối tượng đào sâu hai quả đồi. Trái ngược với bên ngoài có vẻ như bị bỏ hoang đã lâu, khi di chuyển vào khoảng 20m, phóng viên ghi nhận tại hiện trường đầy đủ các loại máy móc, thiết bị phục vụ việc đào, đãi vàng trái phép xếp kín cả lối vào. Máy móc bao gồm hệ thống đèn điện chiếu sáng, xe máy độ chế để đi rừng, máy nổ chạy bằng dầu diesel, máy bơm không khí vào hầm vàng, máy phát điện, máy nghiền quặng…Tại một hầm khác, đầy đủ dụng cụ, lương thực, thực phẩm phục vụ sinh hoạt, ăn uống dài ngày cho các đối tượng khai thác vàng trái phép.

Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông ảnh 2Máy móc được sử đụng để đãi vàng trái phép. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Khu vực xung quanh có lán trại với nhiều vật dụng, máy móc, lương thực, thực phẩm…trong các lùm cây và tại các vị trí khuất ven bờ suối. Hiện trường cho thấy, các đối tượng vừa di chuyển khỏi hiện trường trước khi phóng viên và các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đến đây. Đáng chú ý hơn, đây là khu vực mà trước đó khoảng 10 ngày, ngành chức năng, chủ rừng đã tiến hành một đợt kiểm tra đột xuất và tạm giữ hai máy múc công suất lớn đang khai thác khoáng sản trái phép.

Theo người dẫn đường và thông tin phóng viên thu thập được, các đối tượng đã khai thác vàng trái phép tại đây từ trước thời điểm thành lập tỉnh Đắk Nông (năm 2004 - PV). Việc khai thác được tiến hành lúc lén lút, khi công khai, dấu tích phổ biến nhất là dòng suối bị ô nhiễm kéo dài nhiều km do hành vi đào, đãi vàng.

Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông ảnh 3Hiện trường các đối tượng sử dụng máy múc để san ủi đất, đào đãi vàng trái phép. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, đại diện Công ty Quảng Sơn cho biết, Công ty thường xuyên kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả. Cách làm phổ biến nhất là tháo dỡ lán trại, thu máy móc, trang thiết bị và nhu yếu phẩm của các đối tượng. Tuy nhiên, để làm được việc này phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương vì Công ty không đủ thẩm quyền. Thêm vào đó, các đối tượng manh động, liều lĩnh.

Theo báo cáo của Công ty Quảng Sơn các tháng 3, 5, 7, 8, 9, các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của Công ty liên tục phát hiện các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép tại hai tiểu khu 1660 và 1661 cùng nhiều máy móc, phương tiện cơ giới. Mỗi lần bị phát hiện, các đối tượng đều bỏ chạy hoặc lẩn trốn nên không xử lý được.

Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông ảnh 4Nước mưa được tích trữ để phu vàng ăn uống, sinh hoạt tại chỗ. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Nhiều báo cáo của Công ty Quảng Sơn đã nêu rõ “các đối tượng làm lán trại ở trực tiếp trên lâm phần do Công ty quản lý, gây ảnh hưởng đến rừng, đất lâm nghiệp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đặc biệt việc khai thác khoáng sản trái phép gây thất thoát tài nguyên của nhà nước”. “Công ty đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng vào giải tỏa, tháo dỡ máy móc nhưng không giải quyết được vấn đề”. “Sau mỗi lần lực lượng chức năng rút quân, các đối tượng tiếp tục làm lại”...

Theo ông Trần Hữu Dưỡng, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn, việc xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép trên lâm phần được giao cho Công ty quản lý tốn kém nhiều nhân lực, vật lực nhưng chưa hiệu quả. Nguyên do là khu vực xảy ra hành vi vi phạm xảy ra trong rừng sâu, việc đi lại rất khó khăn. Trạm Quản lý bảo vệ rừng của Công ty ở khu vực này chỉ có 4 - 5 cán bộ và được giao quản lý, bảo vệ khoảng 4.500 ha rừng, đất rừng. Diện tích này lại dàn trải, địa hình đi lại khó khăn. Khi phát hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép, người của Công ty Quảng Sơn không có thẩm quyền tạm giữ đối tượng hoặc phương tiện vi phạm, mà phải báo cáo, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp, xử lý. Tuy nhiên, khu vực này không có sóng điện thoại nên khi phát hiện rất khó báo cáo để có thể bắt quả tang.

Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông ảnh 5Máy múc bị tạm giữ trong đợt truy quét vào cuối tháng 9 vừa qua. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Thêm nữa, để đi vào khu vực khai thác, chỉ có con đường độc đạo kéo dài khoảng 2 km, đồi dốc hiểm trở. Vào mùa mưa, cách di chuyển dễ nhất vào khu vực này là đi bộ. Chỉ có dân địa phương và những người thông thạo, kinh nghiệm về địa hình mới có thể sử dụng thêm một loại phương tiện là xe máy độ chế. Đáng chú ý hơn, để đi vào khu vực này, phải đi qua Trạm Quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF BISON (trước đây là Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt), đơn vị được giao đất, giao rừng tiếp giáp với lâm phần được giao cho Công ty Quảng Sơn.

Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông ảnh 6Lán trại của phu đãi vàng. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Sẽ làm quyết liệt?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Ban Quản lý, bảo vệ rừng, Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF BISON xác nhận, từ khu vực trạm của đơn vị đi vào hướng các đối tượng khai thác vàng trái phép chỉ toàn là rừng, không có nương rẫy của người dân. Việc người dân di chuyển qua khu vực này chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của các nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của Công ty.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hai phương tiện máy múc bị phát hiện, tạm giữ và đưa ra khỏi hiện trường vào ngày 24/9 đã vào khu vực này bằng cách nào, ông Chinh nói rằng “không nắm được”, “có lẽ có lối khác”, và “dấu xe trên đường là khi cơ quan chức năng di chuyển xe ra ngoài để tạm giữ”. Cũng theo ông Chinh, Công ty được giao quản lý, bảo vệ hơn 1.850 ha rừng, đất rừng tiếp giáp với khu vực khai thác vàng trái phép. Trạm Quản lý, bảo vệ của đơn vị dựng nơi cửa rừng là để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện dự án trồng rừng tại đây.

Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông ảnh 7Đường điện và ống thông hơi phục vụ việc khai thác vàng trong hầm sâu. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, con đường duy nhất để đi vào khu vực khai thác vàng trái phép trên lâm phần của Công ty Quảng Sơn là đi qua Trạm Quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF BISON. Các phương tiện cơ giới, điển hình như hai máy múc vừa bị tạm giữ chỉ có duy nhất con đường này để vào.

Theo ông Trần Hữu Dưỡng, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn, tuyệt đối không có việc đơn vị buông lỏng quản lý hay “tiếp tay” cho các đối tượng khai thác vàng trái phép. Để truy quét, ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép hiệu quả hơn, các ngành chức năng phải mạnh tay trong việc xử lý các đối tượng, phương tiện, tang vật vi phạm. Đặc biệt, cần xử lý mạnh tay các hầm vàng trái phép, trong đó có nhiều hầm dài hàng trăm mét tại khu vực này.

Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông ảnh 8Máy móc được sử đụng để khai thác vàng trái phép. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long cho hay, huyện đã đề xuất "đánh sập" các hầm vàng để ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng khai thác vàng trái phép nhưng ông Hợp xác nhận đến nay chưa thực hiện được và “huyện sẽ kiểm tra, thông tin nội dung này sau”. UBND huyện đã giao xã Quảng Hòa phối hợp với đơn vị chủ rừng tiến hành truy quét, tháo dỡ lều trại, tịch thu máy móc để ngăn chặn, hạn chế các đối tượng khai thác vàng trái phép và việc này được tiến hành định kỳ. Bên cạnh đó, UBND huyện giao cơ quan Công an xây dựng các đợt truy quét bí mật, tập trung xử lý các đối tượng tổ chức, khai thác vàng trái phép.

“Chúng tôi đã xử lý rất nhiều đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có các đối tượng khai thác vàng tại xã Quảng Hòa và thời gian tới đây sẽ tiếp tục làm quyết liệt. UBND xã Quảng Hòa vừa lên kế hoạch tiếp tục truy quét, ngăn chặn các đối tượng khai thác vàng và chắc chắn sẽ ngăn chặn hiệu quả”, ông Hợp khẳng định.

Hiểm họa từ những hầm vàng không phép ở Đắk Nông ảnh 9Lán trại các đối tượng dựng lên để khai thác vàng trái phép. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Về thông tin người, phương tiện cơ giới đi qua Trạm Quản lý, bảo vệ rừng để đi vào khu vực khai thác vàng trái phép, huyện sẽ làm việc với các bên liên quan, nhất là phía Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF BISON để yêu cầu phối hợp, quản lý tốt vấn đề này. Nếu họ cố tình không phối hợp sẽ xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm.

Rõ ràng, việc khai thác vàng trái phép tại hai tiểu khu 1660 và 1661 kéo dài đã nhiều năm nay. Các đối tượng ngày càng manh động, ngang nhiên, coi thường các quy định pháp luật. Ngành chức năng, chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp đồng bộ, mạnh tay để truy quét, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật tại đây.

Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Minh Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm