"Vàng tặc" lộng hành tàn phá những cánh rừng phòng hộ ở Lai Châu (Bài 2)

Hoạt động khai thác vàng trái phép tại điểm Nậm Khá, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu như một đại công trường với hơn 200 người tham gia. Ảnh: TTXVN
Hoạt động khai thác vàng trái phép tại điểm Nậm Khá, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu như một đại công trường với hơn 200 người tham gia. Ảnh: TTXVN

Bài 2: "Vàng tặc" thu lợi, rừng thu hẹp

Sau một thời gian dài diễn ra hoạt động khai thác vàng trái phép tại huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu)  khiến tài nguyên quốc gia bị thất thoát và môi trường bị tàn phá nặng nề. Núi bị khoét, đào bới nham nhở, các cây gỗ bị chặt phá tràn lan để chống hầm và làm lán trại, nguồn nước bị ô nhiễm gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

"Vàng tặc" lộng hành tàn phá những cánh rừng phòng hộ ở Lai Châu (Bài 2) ảnh 1Hoạt động khai thác vàng trái phép tại điểm Nậm Khá, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu như một đại công trường với hơn 200 người tham gia. Ảnh: TTXVN

Rừng đầu nguồn bị tàn phá

Tại điểm khai thác vàng trái phép ở khu vực Nậm Khá, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, gần 200 phu vàng hết khoan rồi lại đào, chỗ này không có vàng lại đào chỗ khác. Cây cối bị chặt hạ để nhường chỗ cho hoạt động tìm vàng. Cả một triền núi bị đào bới tan hoang, nham nhở bởi "vàng tặc". Vậy ai sẽ đứng ra cải tạo môi trường, trả lại nguyên trạng trước kia và sự bình yên cho rừng?

Theo người dân sinh sống gần đây, trước kia khu vực khai thác vàng này là những cánh rừng phòng hộ xanh tốt, bình yên. Từ khi xuất hiện hoạt động khai thác vàng trái phép, rừng đã trở thành đất trống, núi trọc. Điều này tác động đến môi trường đất, nước gây phá vỡ cân bằng sinh thái. Đặc biệt, sau khi chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra, đốt lán trại, phá hầm đào vàng trái phép thì chỉ sau thời gian ngắn các đối tượng "vàng tặc" lại chặt cây trong rừng để dựng lán mới và chống hầm. Ở bãi vàng Nậm Khá thuộc xã Mù Cả có khoảng 50 lán trại của phu vàng dựng và hàng chục hầm vàng. Hầm đào càng sâu, phu vàng cần càng nhiều gỗ để chèo chống.

"Vàng tặc" lộng hành tàn phá những cánh rừng phòng hộ ở Lai Châu (Bài 2) ảnh 2Rừng phòng hộ bị đào xới tan hoang tại bãi vàng Nậm Khá, Nậm Khá, xã Mù Cả, huyện Mường Tè. Ảnh: TTXVN

Ông Pờ Khừ Xá, Chủ tịch UBND xã Mù Cả, huyện Mường Tè cho hay: Trước đây, khu vực Nậm Khá có 2 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lan Anh và Sao Phương Bắc được cấp có thẩm quyền cho phép thăm dò vàng gốc. Sau khi hết thời hạn, khu vực này có nhiều người dân ở địa phương khác vào khai thác trái phép. Do nằm ngay trong khu vực rừng phòng hộ nên ảnh hưởng tới tài nguyên đất, môi trường rừng trên địa bàn. Vì vậy, xã đã và đang đề xuất, kiến nghị lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban chức năng phối hợp với các xã liên quan tăng cường các biện pháp mạnh hơn trong thời gian tới để chấm dứt tình trạng này.

Tại bãi vàng ở đầu suối bản Nậm Suổng, xã Vàng San, huyện Mường Tè, các đối tượng "vàng tặc" khoan hầm sâu hun hút khoảng 200 mét trong núi. Bên trong hầm được dùng rất nhiều cây để chống đỡ. Lán ở và sinh hoạt của phu vàng cũng được làm từ cây rừng. Vì vậy, cây rừng bị đốn hạ nhiều nên xung quanh chỉ còn cây bụi.

"Vàng tặc" lộng hành tàn phá những cánh rừng phòng hộ ở Lai Châu (Bài 2) ảnh 3Một phu vàng làm việc tại điểm Nậm Khá, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Anh Lò Văn Bướng, dân tộc Mảng ở bản Nậm Suổng chia sẻ: Đội làm vàng trái phép trên đầu nguồn tồn tại hơn 10 năm nay. Rừng trên đầu nguồn bị "vàng tặc" chặt phá nhiều để chống hầm và làm lán. Dân bản nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã nhưng đâu lại vào đó. "Vàng tặc" vẫn ngang nhiên hoạt động. Chúng tôi mong Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm chấm dứt việc khai thác vàng trái phép để dân bản yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.

Được biết, xã Mù Cả hiện có gần 30.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 77%. Mỗi năm, toàn xã được chi trả trên 14 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Tại xã Vàng San, trung bình mỗi hộ dân được nhận 6 - 7 triệu đồng/năm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc "vàng tặc" lộng hành trong những cánh rừng phòng hộ với khu vực khai thác ngày càng rộng đồng nghĩa với diện tích rừng thu hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng rừng, môi trường rừng và nguồn thu nhập từ tiền dịch vụ môi trường rừng của bà con nơi đây.

"Vàng tặc" lộng hành tàn phá những cánh rừng phòng hộ ở Lai Châu (Bài 2) ảnh 4Một phu vàng làm việc trong hầm sâu cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: TTXVN

Nguồn nước ô nhiễm

Dọc theo lòng suối từ bản Nậm Suổng tới bãi vàng trái phép, phóng viên thấy những vệt nước có màu khác lạ chảy xuống đen nhẻm. Càng lên cao, nước suối càng đen nghịt và có mùi khó chịu. Nước đen là do quá trình nghiền quặng và tách lấy vàng, các đối tượng đã sử dụng hóa chất thủy ngân, sau đó xả thẳng ra dòng suối đầu nguồn.

Bản Nậm Suổng hiện có 70 hộ đồng bào dân tộc Mảng với hơn 500 nhân khẩu. Theo người dân trong bản, toàn bộ nước sinh hoạt, nước sản xuất của các gia đình đều dựa vào dòng suối này. Trước đây, cuộc sống của bà con bình yên. Từ khi có đội "vàng tặc" về làm trên thượng nguồn khiến cuộc sống của người dân trong bản bị đảo lộn. Nước suối bị ô nhiễm khiến trẻ con và người lớn tắm về bị ngứa, nổi mụn nhọt, lở loét; không nuôi được cá, ruộng nương không canh tác được…

"Vàng tặc" lộng hành tàn phá những cánh rừng phòng hộ ở Lai Châu (Bài 2) ảnh 5Con suối tại bản Nậm Suổng, xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là nơi lấy nước cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của toàn bộ người Mảng có hơn 70 hộ dân với 500 nhân khẩu bị ô nhiễm nặng nề do khai thác vàng trái phép. Ảnh: TTXVN

Anh Lò Văn Sảnh, dân tộc Mảng ở bản Nậm Suổn cho hay: Anh lên xem ao cá do không có đường mòn nên mình phải lội theo khe suối. Cứ mỗi lần lội qua khe suối về chân anh lại bị ngứa rồi lên mụn, lở loét. Trẻ con trong bản tắm về cũng đều bị ngứa, lở loét hết ở chân, mông, cổ, lưng. Người dân lội suối ướt tới đâu thì bị ngứa tới đấy.

Theo ông Pàn Văn Miu, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Vàng San ở tại bản Nậm Suổng: Tình trạng khai thác vàng trái phép trên thượng nguồn diễn ra từ rất lâu làm ô nhiễm nguồn nước trên dòng suối, ảnh hưởng đến ruộng nương sản xuất, nuôi trồng thủy sản của nhân dân; bởi nguồn nước này là nguồn sống của bà con trong bản. Nước suối ở trên khu vực vàng xả xuống có mùi rất khó chịu. Dân bản đã đề nghị các cấp chính quyền giải quyết triệt để tình trạng này.

"Vàng tặc" lộng hành tàn phá những cánh rừng phòng hộ ở Lai Châu (Bài 2) ảnh 6Những phu vàng làm việc trong các hầm đào vàng sâu hun hút tại điểm Nậm Khá, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Vũ Văn Cương khẳng định: Việc khai thác vàng có tác động tới môi trường, làm thay đổi hiện trạng đất và ảnh hưởng môi trường nước. Việc phản ảnh về nguồn nước bị ô nhiễm ở bản Nậm Suổng cần được đánh giá, kiểm tra của cơ quan chuyên môn...

Đặc biệt, để đuổi theo nẹp vàng trong lòng đất để tìm vàng, các phu vàng đã ra sức khoét sâu vào núi. Trong khi đó, hầm được chống đỡ thô sơ, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chết người. Thực tế đã có nhiều bãi vàng xảy ra tình trạng sập hầm và chết người. Do vậy, từ những hệ lụy của "vàng tặc" để lại nếu cứ để kéo dài và không xử lý mạnh tay, triệt để sẽ ngày càng gây bức xúc trong nhân dân. (Xem tiếp Bài 3: Cần quyết liệt ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép)

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm