Hành trình đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo ở Vĩnh Long (Bài 1)

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Hoàng Na (phường Tân Hội, thành phố Vĩnh Long) có điều kiện đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Hoàng Na (phường Tân Hội, thành phố Vĩnh Long) có điều kiện đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã đưa các nguồn vốn ưu đãi đến với người dân, nhất là hộ nghèo, tạo đòn bẩy giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Thông qua nguồn vốn tín dụng đã mang đến chiếc “cần câu” giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, hạn chế tình trạng học sinh sinh viên phải bỏ học do gặp khó khăn về tài chính, giúp nhiều hộ gia đình xây dựng được nhà ở ổn định…

Với những kết quả đạt được, chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Hành trình đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo ở Vĩnh Long (Bài 1) ảnh 1Mô hình điểm giao dịch ở xã, phường, thị trấn tạo điều kiện cho người dân đến giao dịch. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Bài 1: Động lực từ vốn chính sách

Hành trình đưa tín dụng chính sách đến với người dân, đặc biệt là người nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến nay đã tròn 20 năm. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã mở rộng ra 17 chương trình với những mục tiêu "trợ lực", giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống.

Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các chính sách hợp lòng dân đã tạo động lực, thúc đẩy người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua mặc cảm, chủ động tiếp cận nguồn vốn vay để tự thân phấn đấu, lao động sản xuất vươn lên trong cuộc sống.

Bệ đỡ cho hộ nghèo

Từ khi ra đời đến nay, các chương trình tín dụng chính sách cho người nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh luôn là những chương trình được tỉnh Vĩnh Long quan tâm thực hiện. Tùy vào nhu cầu và điều kiện cụ thể, người dân sẽ được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay phù hợp như chương trình cho vay hộ nghèo, vay hộ cận nghèo, vay hộ mới thoát nghèo, vay giải quyết việc làm, vay nước sạch vệ sinh môi trường...

Sự quan tâm tiếp sức đúng lúc, đúng nhu cầu đã tạo "bệ đỡ" cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao mức sống gia đình và thoát nghèo bền vững. Trong 20 năm, qua nguồn vốn vay đã giúp cho gần 79.800 hộ vay làm ăn vươn lên thoát nghèo và thoát cận nghèo. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hơn 582 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Gia đình từng thuộc diện hộ nghèo, phải chật vật tìm đồng vốn để mưu sinh, đến nay, ông Lê Văn Tư (xã Thuận An, thị xã Bình Minh) đã vươn lên thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế vững chắc. Ông Tư phấn khởi cho biết, ngay từ những năm đầu tiên khi ngân hàng triển khai các chương trình cho vay vốn sản xuất đối với hộ nghèo, gia đình ông đã có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay này với số tiền là 8 triệu đồng để chăn nuôi bò.

Hành trình đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo ở Vĩnh Long (Bài 1) ảnh 2 Nhờ nguồn vốn vay 80 triệu đồng, anh Nguyễn Ngọc Đặng (xã Thuận An, thị xã Bình Minh) có điều kiện nâng cao thu nhập từ mô hình trồng cải xà lách xoong. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật nên ông chăn nuôi thành công, lứa đầu tiên xuất chuồng, ông mua được 9 chỉ vàng, có dư để tích góp cho gia đình. Từ số lãi tích lũy được, kết hợp với nguồn vốn vay từ ngân hàng trong những năm sau đó đã giúp ông mở rộng chăn nuôi.

Cứ như thế, gần 20 năm qua, ông Lê Văn Tư đã có được số vốn để chăm lo cho gia đình, phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Hiện nay, gia đình tiếp tục được sự quan tâm của chính quyền địa phương và ngân hàng thông qua việc cho vay thêm 80 triệu đồng để phát triển chăn nuôi đàn dê, giúp có nguồn thu nhập ổn định, thoát nguy cơ tái nghèo.

Còn gia đình anh Nguyễn Ngọc Đặng (xã Thuận An, thị xã Bình Minh) nhờ được tư vấn vay vốn và định hướng sử dụng vốn vay phù hợp nên gần 2 năm qua anh mạnh dạn đầu tư phát triển trồng cải xà lách xoong, một trong những mô hình phát triển kinh tế đặc trưng và hiệu quả tại vùng đất này. Với nguồn vốn 80 triệu đồng, anh đã thuê đất, đầu tư hệ thống tưới tiêu, cây giống…

Sau mỗi kỳ thu hoạch, trừ hết chi phí, anh Đặng còn lãi từ 20-30 triệu đồng. Nếu “mát tay” làm hiệu quả rau mùa nghịch thì thu nhập sẽ càng cao hơn. Mặc dù hiện nay gia đình chưa thoát nghèo nhưng với nguồn thu từ việc trồng xà lách xoong đã lại hiệu quả kinh tế khá cao so với thời điểm anh đi làm thuê. Anh Đặng chia sẻ, bản thân sẽ cố gắng học hỏi thêm kỹ thuật, làm ăn hiệu quả để sớm trả được khoản vay, phát triển thêm để vươn lên thoát nghèo.

Song song với các chính sách tín dụng cho người nghèo, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn tín dụng chính sách được xem là kênh giúp thoát nghèo hữu hiệu, tạo động lực cho người dân phấn đấu lao động sản xuất, vươn lên bằng những mô hình, dự án hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong gần 20 năm qua chính là nền tảng để anh Thạch Day (xã Thuận An, thị xã Bình Minh) đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo. Với số tiền 8 triệu đồng vay ban đầu, anh tập trung phát triển mô hình chăn nuôi bò.

Từ việc chỉ nuôi được 1 con bò, sau đó anh dần dần mở rộng ra. Hiện nay, bằng bằng nguồn vốn tích lũy và vốn vay của ngân hàng, anh vẫn tiếp tục duy trì hiệu quả của mô hình chăn nuôi bò với kỳ vọng những lứa sau tiếp tục “thắng lợi” để gia đình khá giả hơn. 

“Làm ăn được như vầy tui phấn khởi lắm. Đến năm 2010, mỗi đợt tui nuôi 4 con, cứ một năm thì bán được 2 con bò nghé, nhờ đó đến năm 2016 thì có dư đủ để cất nhà và thoát nghèo. Mấy năm qua nhờ vốn vay mà có tiền chăn nuôi, xây nhà, rồi cho con ăn học. Rất mong là nguồn vốn vay này được mở rộng để bà con mình được tiếp cận, làm ăn hiệu quả, ai cũng khá giả”, anh Thạy Day chia sẻ.

Hành trình đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo ở Vĩnh Long (Bài 1) ảnh 3 Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Hoàng Na (phường Tân Hội, thành phố Vĩnh Long) có điều kiện đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Phát huy hiệu quả

Thời gian qua, để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thời hạn, lãi suất ưu đãi cho các hộ vay.

Nhằm chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, chi nhánh đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn và tổ chức giao dịch trực tiếp tại xã, phường, thị trấn. Thông qua phương thức cho vay này, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, giúp người dân sử dụng hiệu quả vốn vay.

Là tổ chức chính trị - xã thực hiện hoạt động uỷ thác, đến nay, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện 17 chương trình tín dụng ủy thác với dư nợ quản lý là 906 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 31.000 hội viên tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.

Song song với quản lý nguồn vốn, thời gian qua, Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tổ chức hơn 100.000 lớp tập huấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất… Qua đó đã giúp hơn 320.000 lượt hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Phạm Thành Phương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An, thị xã Bình Minh cho biết, nguồn vốn vay phù hợp với nhu cầu thực tế của nhân dân kết hợp với việc được triển khai đúng lúc, đúng đối tượng đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho người dân của xã thay đổi tư duy sản xuất, chí thú làm ăn, từng bước thoát nghèo vươn lên khá giàu.

Để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, hội luôn phối hợp chặt với ngân hàng, nhất là cán bộ phụ trách địa bàn trong việc thẩm định các phương án, điều kiện triển khai dự án vay vốn của hộ dân. Qua đó, kịp thời tư vấn, định hướng để thực hiện hiệu quả, tránh sử dụng sai mục đích.

Cùng đó, Hội cũng thường xuyên tập huấn để đội ngũ tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn nắm rõ những văn bản hướng dẫn có liên quan để triển khai lại cho hội viên, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng để người dân sử dụng có hiệu quả.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, từ năm 2015 đến nay, UBND các cấp đã cân đối ngân sách chuyển 153,3 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, trong 20 năm qua, chi nhánh đã giải ngân cho 917.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn vay kịp thời và triển khai hiệu quả đã giúp gần 79.800 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, giải quyết việc làm cho gần 60.000 lao động tại địa phương, xây dựng hơn 6.400 căn nhà vượt lũ cho hộ dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ…

Một trong những chương trình, đề án cho vay thể hiện sự quan tâm kịp thời của tỉnh đối với nhu cầu bức thiết của người dân là đề án cho vay hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tỉnh Vĩnh Long là một trong những địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiên phong triển khai đề án này với nguồn vốn 60 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh là 30 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương đối ứng 30 tỷ đồng. Thông qua đề án này, bước đầu tỉnh đã kịp thời tiếp sức người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, trao chiếc “cần câu” giúp họ phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định, đảm bảo thích ứng an toàn trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Trần Lê Thanh Thảo nhận định, vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống, làm thay đổi căn bản nhận thức của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhiều hộ dân từ mặc cảm tự ti, không dám vay vốn thì hiện nay đã mạnh dạn vay, tính toán làm ăn đạt hiệu quả.

Qua việc đưa tín dụng chính sách đến gần với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại các vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách có tác động trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen. Từ đó, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. (Xem tiếp Bài 2: Vì mục tiêu giảm nghèo)

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm