Bài 2 (Bài cuối): Vì mục tiêu giảm nghèo
Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, song song với việc tập trung huy động nguồn vốn hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng mô hình và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để ngày càng đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân. Hoạt động tín dụng chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống hộ gia đình và tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội.
Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Vĩnh Long triển khai hiệu quả hơn việc huy động vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay trong giai đoạn mới, thực hiện bứt phá các mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đưa tín dụng chính sách đến gần với dân
Giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa các chính sách tín dụng đến gần với nhân dân, trong 20 năm qua, mô hình tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long được quan tâm tổ chức và dần hoàn thiện, phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương và phát huy hiệu quả, huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Điểm giao dịch xã được đánh giá là mô hình hoạt động gần dân và trở thành điểm sáng trong hoạt động của ngân hàng.
Đến nay, hệ thống các điểm giao dịch của ngân hàng đã được mở rộng đến 107 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh, việc giao dịch được thực hiện theo ngày cố định nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người dân, tiết giảm chi phí giao dịch của người vay.
Tại các điểm giao dịch xã, ngân hàng đã công khai các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi Nhà nước, các quy trình thủ tục, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ, số lãi còn phải trả của từng người vay, số dư tiền gửi tiết kiệm và nội quy giao dịch… tạo điều kiện để chính quyền địa phương, các tổ chức hội và người dân cùng giám sát hoạt động tín dụng chính sách.
Cùng với việc triển khai hệ thống điểm giao dịch đến tận các xã, phường, thị trấn, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được 2.272 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 90.000 thành viên tại các khóm, ấp. Với sự hỗ trợ của các tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các thủ tục vay vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, tiết giảm chi phí.
Đặc biệt, trong quá trình đưa tín dụng chính sách đến với người vay, có vai trò rất quan trọng Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, họ là những người nhiệt tình, trách nhiệm, gần nhân nhân, luôn sát cánh cùng tổ viên trong quá trình sử dụng vốn.
Điển hình như bà Nguyễn Kim Huê, (Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khóm 2, phường 3, thành phố Vĩnh Long) đã có gần 20 năm gắn bó với công việc, là chiếc “cầu nối” giữa ngân hàng và người dân, tạo điều kiện để các hộ nghèo, có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn vay, sử dụng hiệu quả để nâng cao đời sống, có thu nhập vươn lên thoát nghèo.
Trong 20 năm qua, với vai trò Tổ trưởng bà đã giúp 30 hộ vay vốn thoát nghèo, vươn lên khá giàu, giúp gần 40 hộ cải thiện đời sống, giải quyết việc làm cho hơn 70 lao động tại địa phương. Hiện nay, tổ vay vốn của bà có 40 hộ vay với tổng dư nợ hơn 1,7 tỷ đồng.
Hàng tháng, bà luôn tổ chức họp tổ viên để bình xét giúp các hộ có nhu cầu vay làm ăn hợp lý được tiếp cận nguồn vốn, hướng dẫn và động viên tổ viên sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, nộp lãi, gửi tiền tiết kiệm và trả nợ gốc theo đúng thời hạn quy định.
Theo bà Nguyễn Kim Huê, người tổ trưởng có vai trò rất quan trọng vì phải tìm được người cần vốn vay và phải có chí hướng làm ăn thì việc xét vay mới có hiệu quả. Song song đó, tổ trưởng phải là người gần gũi, đồng hành với người dân trong việc thường xuyên giám sát, đôn đốc việc sử dụng nguồn vốn vay, tích cực vận động hộ vay hình thành thói quen gửi tiết kiệm, tạo nguồn vốn tích lũy cho gia đình để nhẹ lo khi đến hạn trả nợ gốc.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Trần Lê Thanh Thảo đánh giá, tổ tiết kiệm và vay vốn là khâu quan trọng trong phương thức cho vay, là “cánh tay nối dài” của Ngân hành trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Nhờ “cầu nối” này mà thời gian qua nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã được chuyển tải nhanh chóng, chính xác và hiệu quả đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác...
Bên cạnh việc hỗ trợ thủ tục vay vốn, thu lãi, thu tiết kiệm hàng tháng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người vay, thì tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn còn là những người gần gũi với người dân, nắm bắt và hướng dẫn kịp thời phương án sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp người dân tính toán làm ăn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn tín dụng chính sách.
Tiếp tục đồng hành cùng người nghèo
Với kết quả đạt được trong 20 năm qua, nguồn vốn ưu đãi được coi như “chìa khóa” giúp thoát nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Với sự tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn, nhiều gia đình đầu tư hiệu quả vào các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi kể trên, hoạt động tín dụng chính sách vẫn còn những khó khăn vướng mắc cần tiếp tục giải quyết. Theo đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, do đó nhu cầu vốn vay khá lớn trong khi hiện nay nguồn vốn cho vay còn hạn chế.
Dù hiệu quả tín dụng chính sách mang lại khá ấn tượng nhưng chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều giữa các địa phương. Các chương trình tín dụng, việc thực hiện tín dụng chính sách vẫn còn thiếu cơ chế lồng ghép, phối hợp có hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn và giữa hoạt động tín dụng với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ...
Với mục tiêu tập trung các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách theo hướng phát triển ổn định bền vững, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Tỉnh cũng tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho các địa phương còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…
Ông Trần Lê Thanh Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết, thực hiện theo định hướng chiến lược phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội và chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, trong thời gian sắp tới, đơn vị sẽ xây dựng các chương trình cho vay để giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn kịp thời để sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trước ảnh hưởng do tình hình dịch COVID-19, người lao động bị mất việc làm, ngân hàng cũng đã tham mưu UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố để chuyển các nguồn vốn ủy thác đối với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương cho vay chương trình cho vay hỗ trợ việc làm và mở rộng việc làm trên địa bàn. Điều này nhằm giúp người dân tự tạo được việc làm, không phải ly hương để tìm việc.
Song song đó, ngân hàng sẽ thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị -xã hội, tổ tiết kiệm vay vốn thực hiện tốt các công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về nguồn vốn tín dụng, quy trình nghiệp vụ của ngân hàng để người dân hiểu, từ đó chủ động tìm hiểu và vay vốn phát triển kinh tế.
Riêng với hệ thống các điểm giao dịch và tổ vay vốn tiết kiệm, ngân hàng tiếp tục củng cố, kiện toàn và tập huấn để nắm được nghiệp vụ và thực hiện thuần thục các nội dung ủy thác, tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để thực hiện giám sát, kiểm tra. Qua đó, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, không đúng đối tượng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá, trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện.
Các nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách của tỉnh có thêm nhiều cơ hội để tạo việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự vươn lên thoát nghèo, làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn sự khởi sắc.
Để phát huy hiệu quả của nguồn vốn này, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã cụ thể hóa và tổ chức triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động giao dịch tại cơ sở và các tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. (Hết)
Lê Thúy Hằng