Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo

Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo

Ngày 20/5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội thảo “Thực trạng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 và kế hoạch, giải pháp triển khai giai đoạn 2022-2025 tại khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên".

Sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang cho Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng tăng. Đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 23.978 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương đến cuối tháng 5/2022 đạt 27.785 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 10% trong tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, ngân sách địa phương đã ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay là 3.083 tỷ đồng.

Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ảnh 1 Quang cảnh Hội thảo tín dụng chính sách xã hội giảm nghèo bền vững vùng miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: Trần Tĩnh -TTXVN

Thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất. Từ khi triển khai thực hiện đến kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3/2022, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỷ đồng để trả lương cho hơn 1 triệu lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước.

Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm (2021 - 2025). Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng hơn 2.335 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng cho vay hỗ trợ tạo việc làm 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở hơn 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vay 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.

Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ảnh 2 Vườn cây ăn quả của gia đình chị Phan Thị Nga (thôn 1, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã vươn lên thoát nghèo từ vốn vay của Ngân hàng chính sách. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, các chính sách xã hội, trong đó có chính sách giảm nghèo luôn được tỉnh quan tâm. Qua quá trình triển khai, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Trị. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn vẫn còn hạn chế do các đối tượng thuộc diện nghèo tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ chưa tập trung cao theo hướng sản xuất đồng bộ trên từng địa bàn xã hoặc vùng. Nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo dàn trải trong nhiều chính sách, nguồn vốn hỗ trợ ít…

Ông Nguyễn Tân Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng các dân tộc. Vì vậy, Chính phủ cần ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các địa phương nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập, mức sống của đồng bào giữa các vùng miền trong cả nước. Các sở, ban, ngành ở địa phương cần tiếp tục, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất….

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương khu vực miền núi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã đóng góp nhiều ý kiến đánh giá kết quả thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại khu vực miền núi giai đoạn 2016-2021 ở mỗi địa phương; xác định vai trò ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội; từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực, hiệu quả giai đoạn 2022 -2025 góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững... Đây là nguồn thông tin hữu ích để hỗ trợ, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tập trung nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo, xây dựng các Đề án cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến 2030.

Trần Tĩnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm