1. Vị trí địa lý
Hà Tĩnh là một tỉnh ở dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung bộ, phía bắc giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía tây giáp Lào, phía đông giáp biển Đông với bờ biển dài 137 km.
2. Điều kiện tự nhiên
Diện tích: 6.055,6 km²
Ðịa hình đa dạng, có đủ các vùng đồi núi, trung du, đồng bằng và biển.Đồng bằng có diện tích nhỏ bị chia cắt bởi các dãy núi và sông suối. Hà Tĩnh có tới 14 con sông lớn nhỏ và nhiều hồ nước. Là tỉnh nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình năm là 23,7ºC.
Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ đều thuận lợi với quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy xuyên qua tỉnh. Tỉnh cũng có cửa khẩu Cầu Treo thuận tiện cho việc giao lưu với các nước Lào, Thái Lan. Thành phố Hà Tĩnh cách Hà Nội 341km.
3. Dân cư
Dân số: 1.280.782 người (năm 2015)
Hà Tĩnh là tỉnh có dân số chủ yếu là người Việt (Kinh) chiếm tới 99% dân số. Các dân tộc Thái, Mường, Chứt, Lào chỉ có vài trăm hoặc vài chục, thường sống xen ghép tại một số xã thuộc huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang.
4. Lịch sử hình thành và phát triển
Kết quả nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học ở Nghi Xuân, Thạch Hà, Đức Thọ và nhiều cứ liệu về văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ... cho biết, cách đây hàng vạn năm, những người tiền sử đã đến vùng đất này sinh sống và đây có thể từng là một trung tâm lớn của thời tiền văn hoá Đông Sơn.
Suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Hà Tĩnh nhiều lần thay đổi tổ chức, địa giới hành chính và tên gọi. Thời Hùng Vương, Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đầu thế kỷ VI, nhà Lương đổi Cửu Đức thành Đức Châu. Cuối thế kỷ VI, nhà Tuỳ lại đổi Đức Châu thành Hoan Châu. Năm 607, Đức Châu nhập vào Nhật Nam. Năm 622, nhà Đường đổi quận Nhật Nam thành châu Nam Đức, rồi Đức Châu, đến năm 627 lại đổi thành Hoan Châu. Tên Hoan Châu được giữ nguyên cho đến cuối Bắc thuộc. Thời kỳ Đại Việt cũng có nhiều thay đổi.
Đến năm 1831, vua Minh Mạng trên quy mô cuộc cải cách hành chính toàn quốc, tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An thành lập tỉnh Hà Tĩnh. Đây là niên đại quan trọng trong tiến trình lịch sử Hà Tĩnh, chứng tỏ vùng đất này đã hội đủ các điều kiện để thành một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình trung ương. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá V (ngày 27-12-1975), đã quyết định hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII (ngày 16-8-1991) đã quyết định chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
5. Văn hóa - Du lịch
Hà Tĩnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh, quê hương của nhiều bậc danh nhân. Cảnh quan của tỉnh có thác Vũ Môn, vườn quốc gia Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, đèo Ngang, chùa Hương Tích, Hòn Bớc, Hòn Lám…Các thắng cảnh phần lớn đều phân bổ dọc đường quốc lộ 1A và quốc lộ 8.
Hà Tĩnh nổi tiếng về "Văn vật Hồng Lam" với các di chỉ khảo cổ rú Dầu, rú Rơm, đồ sắt Vân Chàm, Minh Long, đồ đồng Ðức Lâm, đồ gốm Cảm Trang, đồ mộc Thái Yên, lụa Hạ, vải Hồ. Dãy Hoành Sơn còn lưu giữ lũng cổ đắp ghép từ thế kỷ thứ 4.
Với gần 137 km bờ biển, Hà Tĩnh còn sở hữu nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con.
Hà Tĩnh là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, nhà yêu nước nổi tiếng tiêu biểu như danh y Hải Thượng Lãn Ông, đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Hà Huy Tập, Ngô Ðức Kế, Huy Cận... Con người Hà Tĩnh nổi tiếng với truyền thống yêu nước, đóng góp nhiều vào công cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc. Đây cũng là cái nôi văn hóa dân gian, sản sinh ra làn điệu Dân ca ví, giặm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sự giao hòa, đan xen giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học làm cho môi trường văn hóa, giá trị nhân văn của Hà Tĩnh có sức thu hút du lịch rất lớn.
(Theo hatinh.gov.vn)