Ảnh minh họa- TTXVN |
Theo quy định tại Nghị định 86, từ ngày 1/7, xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách. Tại Điều 6 của Nghị định này có quy định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào km xe lăn bánh, thời gian chờ đợi. Xe có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn cố định trên nóc xe. Cùng đó, taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.
UBND cấp tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi; quản lý hoạt động vận tải bằng xe taxi, xây dựng và quản lý điểm đỗ cho xe taxi trên địa bàn.
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Hà Huy Quang, hiện số lượng taxi hoạt động trên địa bàn Hà Nội quá lớn và “phức tạp”. Đến thời điểm này, thành phố có 18.000 taxi của khoảng trên 70 doanh nghiệp hoạt động. Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu cho thành phố từng bước giảm thiểu số lượng, tăng cường chất lượng taxi.
Ngoài ra, trước ngày 1/7 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được cấp giấy phép kinh doanh, gắn phù hiệu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Từ 1/7 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có số lượng phương tiện tối thiểu như: Đối với các đơn vị có trụ sở đặt tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có 20 xe trở lên; tại các địa phương phải có 10 xe trở lên, các huyện nghèo từ 5 xe trở lên.../.