Toàn cảnh “Hội nghị kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội năm 2018”. |
Tính đến tháng 6/2018, trên địa bàn thành phố có 14.475 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; trên 180.000 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; 454 chợ, 120 siêu thị và 12 trung tâm thương mại. Nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội 6 tháng đầu năm ước khoảng 505.000 tấn gạo, 125.000 tấn thịt lợn hơi, 33.000 tấn thịt bò, 32.500 tấn thịt gà, 31.000 tấn thủy hải sản, 31.000 tấn thực phẩm chế biến, 525.000 tấn rau củ, khoảng 580 triệu quả trứng gà, vịt, 315.000 tấn trái cây an toàn… Với nhu cầu như vậy, chỉ có các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trứng, Hà Nội sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu; các mặt hàng khác như: gạo mới đáp ứng đủ 40%, thịt bò đáp ứng khoảng 20%, thủy hải sản đáp ứng 2% (thủy sản nước ngọt đáp ứng 40%), thực phẩm chế biến đáp ứng 25%, rau củ quả đáp ứng 40%, trái cây 30% nhu cầu… Số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận và nhập khẩu.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá: Những năm vừa qua, 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất - tiêu thụ và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. |
Để kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh cung cấp cho thành phố, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành của 20 tỉnh, thành (gồm 19 tỉnh, thành phía Bắc và 01 tỉnh phía Nam) nhằm nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của các sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.
“Hội nghị kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội năm 2018” thu hút 21 tỉnh, thành phố; hơn 300 đại biểu đại diện các đơn vị nằm trong chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội tham dự. |
Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân, một công ty chăn nuôi và chế biến thịt và trứng gia cầm nổi tiếng của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của bà tại Hội nghị. |
Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá, những năm vừa qua, 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất - tiêu thụ và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Hiện các tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và 194 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận. Hàng ngày, các chuỗi này cung cấp một số lượng đáng kể thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn cho người tiêu dùng địa phương và một phần cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Phát biểu tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, việc hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, thịt, nông sản an toàn giữa Hà Nội với các địa phương là rất cần thiết. |
Riêng thành phố Hà Nội duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 36 chuỗi có nguồn gốc động vật và 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Đồng thời, thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 23 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Ngành Nông nghiệp Hà Nội 6 tháng đầu năm 2018 đã phối hợp với các tỉnh để tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh. Cụ thể như: Tổ chức hội thảo giới thiệu doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, Lào Cai, Phú Thọ… về Hà Nội; Tổ chức Tuần lễ an toàn thực phẩm Tết; phối hợp với Sở Công thương Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và giải pháp bền vững phát triển nông nghiệp bền vững của thành phố Hà Nội năm 2018; Giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế chế biến kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các tỉnh, thành để phối hợp công tác kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản…
30 gian hàng với hàng trăm sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền… cung ứng cho thị trường Hà Nội đã được trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị. |
Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản tại Hội nghị. |
Mặc dù vậy phối hợp tích cực nhưng việc kết nối nông sản ở các tỉnh, thành phố với Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn do một số sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, thành phố chưa xây dựng được kế hoạch, chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hàng năm. Việc thu hút các doanh nghiệp của thành phố đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chưa phát triển. Một số sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện. Số lượng nông sản cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp còn hạn chế. Nguyên nhân do các tỉnh, thành phố cơ bản chưa có đơn vị, bộ phận chuyên làm công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp để có đầu mối duy trì phối hợp thường xuyên, điều phối kết nối các doanh nghiệp giữa các địa phương.
Ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tham quan các gian trưng bày sản phẩm tại Hội nghị. |
Ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (thứ 3, tính từ bên phải) và đại diện lãnh đạo của doanh nghiệp ở Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trên cả nước tham quan các gian trưng bày sản phẩm tại Hội nghị. |
Để có nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Thủ đô tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Hà Nội thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh nhằm truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, ký kết các chương trình hợp tác về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm với các tỉnh, thành phố có nhiều mặt hàng cung cấp về Hà Nội, nhất là khu vực miền Trung, miền Nam.
Một số sản phẩm nông sản tiêu biểu được giới thiệu tại Hội nghị. Trong ảnh: Nấm đùi gà – sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Vĩnh Phúc. |
Ổi Đông Dư - Hà Nội. |
Tinh nghệ Bắc Kạn. |
Rau cải thìa (cải chíp) - Nam Định. |
Gạo lứt Séng Cù - Lào Cai. |
Hồng xiêm - Đồng Tháp. |
Nhãn lồng Hưng Yên. |
Trứng Ba Huân. |
Một số sản phẩm gạo của Thái Bình. |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Đặc biệt, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của ngành nông nghiệp Hà Nội nói riêng, các tỉnh, thành trên cả nước nói chung nhằm giới thiệu các nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, cơ sở sản xuất tiêu biểu, hệ thống phân phối uy tín để người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh, thành phố tiếp cận…
Thực hiện: Hoàng Hà, Nguyễn Hoàng