Thu gom, sử dụng có hiệu quả tầng đất canh tác khi chuyển sang đất công trình. Ảnh minh họa: Tuấn Anh - TTXVN |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Giám đốc các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc bóc tách, thu gom, quản lý tầng đất canh tác này, khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, hoa màu sang đất thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình.
UBND các quận, huyện, thị xã khi thành lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án có thu hồi đất trồng lúa, hoa màu; khi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, hoa màu sang đất xây dựng công trình (đối với các trường hợp Nhà nước không thu hồi đất) phải giao nhiệm vụ cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư điều tra, xác định độ dầy bình quân của tầng đất canh tác đối với đất trồng lúa, hoa màu cần phải bóc tách; xác định khối lượng cần bóc tách, tỷ lệ % bóc tách thu gom được; phương án thu gom, quản lý, bố trí tái sử dụng, trình Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt trước khi làm thủ tục bàn giao đất trên thực địa.
UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đề xuất các dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất trồng lúa, đất trồng trọt khác kém hiệu quả. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, báo cáo Sở Tài chính thẩm định, trình thành phố quyết định phê duyệt (trước ngày 15/7/2017) các nội dung như: định mức kinh tế - kỹ thuật cho công tác bóc tách, thu gom, vận chuyển tầng đất canh tác; đơn giá quản lý đất hữu cơ tại các bãi chứa tạm thời; đơn giá bán đất hữu cơ cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án trồng cây xanh, rau, hoa; đơn giá cho việc khai hoang, phục hóa, cải tạo đất nông nghiệp trong trường hợp tái sử dụng đất hữu cơ; mức giảm trừ tiền chủ đầụ tư phải nộp theo từng loại và phương án sử dụng (chuyển về nơi tập kết của thành phố, về nơi cải tạo đất của địa phương và để trồng cây xanh, công viên tại dự án)…
Hà Nội thành lập Tổ công tác liên ngành thành phố giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án; quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đối với một số loại dự án trên địa bàn thành phố. Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ thẩm định, đề xuất cho nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án, chủ trương đầu tư, đề xuất dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố, làm cơ sở để trình cấp có thẩm quyền chỉ đạo triển khai thực hiện dự án, quyết định phê duyệt các dự án thuộc phạm vi được phân công. Tổ nghiên cứu, tham mưu cho thành phố ban hành cơ chế thực hiện các dự án thuộc phạm vi được phân công đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tổ công tác đôn đốc, triển khai thực hiện các dự án; giải quyết, đề xuất giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan trong suốt quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Minh Nghĩa