Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
|
Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 15/8, khi bàn về việc Đại lộ Thăng Long chưa có nhiều cây bóng mát mà chỉ có cây tán thấp như: Trúc anh đào, hoa dâm bụt, thảm cỏ, hoa...
Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, trước mắt thành phố Hà Nội sẽ trồng khoảng 20.000 cây cọ dầu, được trồng thành 4 luống tại tuyến đường kể trên, theo tinh thần xã hội hóa, doanh nghiệp tặng cây. Việc trồng cây xanh trên Đại lộ Thăng Long sẽ giúp tạo cảnh quan, xanh mát từ huyện Ba Vì về đến Trung tâm hội nghị Quốc gia.
Cùng với việc trồng thêm cây, thành phố Hà Nội cũng quyết định dừng chi ngân sách để cắt tỉa cây xanh tại tuyến Đại lộ Thăng Long cũng như một số khu vực khác nhằm tiết kiệm khoảng 700 tỷ đồng/năm cho việc duy tu, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu chung đến năm 2020, Hà Nội sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong công tác tổ chức, quản lý cây xanh trên địa bàn 12 quận nội thành; trong đó, có việc trồng 1 triệu cây xanh. Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Nội đã tham vấn các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn về chủng loại cây đô thị trồng trên địa bàn thành phố để lựa chọn các giống cây như Muồng Hoàng Yến; Phượng; Bằng Lăng nước; Hoàng Lan; Ngọc Lan trắng; Sếu; Sấu, Sao đen; Trẹo; Long não; Lát hoa; Vàng Anh; Muồng nhạt; Giáng Hương; Nhội và Sưa trắng.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhằm thống nhất việc trồng cây trên địa bàn thành phố, cơ quan này đã ban hành quy trình trồng cây xanh; đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để xây dựng danh mục các loại cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng và khí hậu của Hà Nội, nhằm hạn chế gãy đổ do gió bão.