Hà Nội phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP từ sữa

Hà Nội hiện có tổng đàn bò sữa hơn 15.500 con, chăn nuôi tập trung chủ yếu ở hai vùng trọng điểm là huyện Ba Vì và huyện Gia Lâm.
Hà Nội hiện có tổng đàn bò sữa hơn 15.500 con, chăn nuôi tập trung chủ yếu ở hai vùng trọng điểm là huyện Ba Vì và huyện Gia Lâm.

Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP từ sữa vừa phát huy được thế mạnh chăn nuôi của Hà Nội, vừa tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện tổng đàn bò sữa của Hà Nội có hơn 15.500 con, sản lượng sữa đạt khoảng 38.700 tấn/năm. Toàn thành phố đang có 29 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ngoài khu dân cư với tổng đàn 747 con. Chăn nuôi bò sữa ổn định ở 2 vùng trọng điểm là huyện Ba Vì và Gia Lâm.

Hà Nội phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP từ sữa ảnh 1Hà Nội hiện có tổng đàn bò sữa hơn 15.500 con, chăn nuôi tập trung chủ yếu ở hai vùng trọng điểm là huyện Ba Vì và huyện Gia Lâm.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 7 công ty cùng 3 nhà máy chế biến sữa và 32 trạm thu gom sữa tươi cho nông dân. Ngoài ra còn có nhiều cơ sở, hộ chế biến, kinh doanh sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa như bánh sữa, sữa chua... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, khó khăn, thách thức đối với chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố hiện nay cũng rất lớn, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trên 30%.

Tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn cao (chiếm 60%), còn có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát. Người chăn nuôi bước đầu mới chỉ chú trọng tăng năng suất. Các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng tiềm năng lợi thế của Thủ đô. Ngoài ra, việc liên kết chăn nuôi bò sữa giữa hợp tác xã và nông dân còn thấp, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm sữa bò còn hạn chế.

Để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa phát triển, trong đó có các sản phẩm OCOP từ sữa, thời gian qua, các hợp tác xã, doanh nghiệp của Hà Nội đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn OCOP. Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty cổ phần sữa Nông trại Ba Vì cho biết, hiện nay mỗi ngày công ty thu mua 1,5 - 2 tấn sữa nguyên liệu cho nông dân để sản xuất suất sữa tươi và chế biến các sản phẩm khác từ sữa. Hiện công ty có hơn 20 loại sản phẩm từ sữa, trong đó có 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty được tiêu thụ ở các thị trường Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Theo ông Khúc Văn Trọng, Giám đốc Hợp tác xã chế biến sữa bò Phù Đổng (huyện Gia Lâm), hiện hai sản phẩm của Hợp tác xã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao là sữa tươi Phù Đổng thanh trùng không đường và sữa tươi Phù Đổng thanh trùng. Với những kết quả đạt được, để nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để có nhiều sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn OCOP, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô cũng như các tỉnh, thành.

Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, để các sản phẩm OCOP, trong đó có các sản phẩm bò sữa phát huy hiệu quả, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa ở các xã trọng điểm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần tăng cường đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị, quy trình sản xuất, chế biến khép kín nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm từ sữa và đa dạng hóa sản phẩm bò sữa đạt tiêu chuẩn OCOP, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và cả nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để chăn nuôi bò sữa phát triển cũng như các sản phẩm OCOP từ sữa, Hà Nội cần làm tốt hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực và cho các hộ chăn nuôi bò sữa; xây dựng hệ thống xử lý môi trường, sử dụng các chế phẩm xử lý môi trường; hệ thống thu gom chất thải chăn nuôi để sản xuất phân hữu cơ. Bên cạnh đó, cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại, hợp tác xã với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sữa bò. Tập trung phát triển thương hiệu, thị trường tiêu thụ sữa và các sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội.

Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm người chăn nuôi bò sữa có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả, chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi cho nông hộ, trang trại phù hợp với từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái.

Thực hiện: Thiện Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm