Hơn 3 năm qua, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), góp phần xây dựng, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, ưu thế của Thủ đô. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng chinh phục thị trường trong và ngoài nước…
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế lá cờ đầu của cả nước về số lượng sản phẩm. Tính đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng), 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Có được thành quả này là nhờ sự vào cuộc, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền thành phố và địa phương.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu (hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem, nhãn sản phẩm OCOP; duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc…). Các chủ thể trên địa bàn 26 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch hoàn thiện và đăng ký tổng số 488 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP cuối năm nay. Trong đó có 301 mặt hàng thực phẩm, 129 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, còn lại là sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng đồ uống, thảo dược, vải và may mặc…
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, con số đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hiện đang vượt 88 sản phẩm so với mục tiêu ban đầu mà thành phố đề ra. Điều này chứng tỏ sức lan tỏa của Chương trình OCOP là rất lớn. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội còn phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP đến với người dân, đặc biệt là các chủ thể sản xuất kinh doanh. Triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện Chương trình OCOP từ thành phố đến cơ sở.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, cùng với đa dạng hóa sản phẩm OCOP, việc xây dựng thương hiệu, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP tiếp tục được quan tâm, không thể vì số lượng mà bỏ qua chất lượng… Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội sẽ tham mưu thành phố thành lập các đoàn kiểm tra đối với chủ thể có sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên, đồng thời xây dựng kế hoạch để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP sau 36 tháng theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho các chủ thể xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, đưa nông sản, thực phẩm, hàng hóa chất lượng từ 3 sao trở lên đến với người tiêu dùng Thủ đô. Hà Nội sẽ nỗ lực phấn đấu xây dựng các thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP Hà Nội được đông đảo người dân trong và ngoài nước nhận diện, tiêu thụ.
Bài và ảnh: Thanh Tuyền